Hệ số K lên đến 35 lần
Cụ thể, hệ số K đối với ở có vị trí mặt tiền đường áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt giáp với đường được quy định trong bảng giá đất tại quận 1, 3, 5, 6, 7 có hệ số điều chỉnh giá đất là 4,5; các quận 4, 8, Tân Bình, Phú Nhuận có hệ số là 5,5; quận 10 có hệ số là 6; qận 11 có hệ số là 5; quận 12 có hệ số là 12; quận Bình Thạnh có hệ số là 4; quận Tân Phú, TP.Thủ Đức có hệ số là 7,5; quận Gò Vấp có hệ số là 8,5; quận Bình Tân.
Đối với các huyện Bình Chánh có hệ số là 6,5, huyện Nhà Bè có hệ số là 8, huyện Cần Giờ có hệ số là 9, huyện Hóc Môn có hệ số là 11, huyện Củ Chi có hệ số là 13.
Đối với các vị trí đất ở còn lại gồm vị trí 2, áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 5 m trở lên thì tính bằng 0,5 của vị trí 1. Vị trí 3, áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 3 đến dưới 5 m thì tính bằng 0,8 của vị trí 2. Vị trí 4, áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có những vị trí còn lại tính bằng 0,8 của vị trí 3.
Đối với đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp tính bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất nghĩa trang, nghĩa địa tính bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất giáo dục, y tế tính bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất tôn giáo tính bằng 60% giá đất ở liền kề.
|
Đối với đất nông nghiệp, quy định về vị trí 1 phải tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vị 200 m; vị trí 2 không tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất trong phạm vi 400 m); vị trí 3 là các vị trí còn lại.
Đất nông nghiệp được chia làm 4 khu vực. Trong đó, khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh. Khu vực 2 gồm: quận 7, 12, Bình Tân và TP.Thủ Đức. Khu vực 3 gồm: huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè và huyện Hóc Môn. Khu vực 4 là huyện Cần Giờ.
Đối với hệ số K cho khu vực 1, với các trường hợp không đủ điều kiện công nhận đất ở; đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa với đất ở có hệ số điều chỉnh là 35. Đất nông nghiệp ngoài khu dân cư (nông nghiệp thuần) hệ số điều chỉnh là 30.
Đối với hệ số K cho khu vực 2, đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa với đất ở có hệ số điều chỉnh là 25; đất nông nghiệp ngoài khu dân cư (nông nghiệp thuần) có hệ số điều chỉnh là 20.
Đối với hệ số K cho khu vực 3, đất đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa với đất ở có hệ số điều chỉnh là 20; đất nông nghiệp ngoài khu dân cư (nông nghiệp thuần) có hệ số điều chỉnh là 15.
Với khu vực 4, đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa với đất ở có hệ số điều chỉnh là 15; đất nông nghiệp ngoài khu dân cư (nông nghiệp thuần) có hệ số điều chỉnh là 10.
Mặc dù vậy, quyết định về hệ số K cũng sẽ linh hoạt trong quá trình thực hiện. Tùy điều kiện cụ thể của dự án, các địa phương được phép rà soát, cân đối (mục đích sử dụng đất, vị trí, tuyến đường…) với các dự án có điều kiện hạ tầng kỹ thuật và kinh tế tương đồng đã được UBND TP.HCM phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 1 năm để điều chỉnh hệ số cho phù hợp với giá chuyển nhượng để lấy ý kiến người dân đưa vào phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
|
Cần thêm cơ chế đặc thù
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 cho phép UBND TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Theo đó, Chính phủ giao UBND TP.HCM ban hành hệ số K vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. Tuy nhiên, UBND TP.HCM sẽ quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 điều 74 của luật Đất đai 2013. UBND TP.HCM có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn TP, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá để đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng đang bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng hiện nay.
Tuy nhiên, quan điểm của UBND TP.HCM muốn Chính phủ cho phép thành lập trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện trên cơ sở ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện. Cơ quan này sẽ góp phần giảm đáng kể thời gian, nhân lực khi TP được chủ động ban hành hệ số K làm cơ sở lấy ý kiến người dân và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện được ủy quyền cân đối mặt bằng giá bồi thường, được phê duyệt hệ số K đối với các dự án nhóm C.
Bởi hiện bình quân mỗi năm TP.HCM có 700 dự án mới, tương ứng số hồ sơ cần thẩm định giá đất để bồi thường, giải tỏa rất lớn. Nếu chỉ có cửa duy nhất để thực hiện là Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ dẫn đến quá tải, khiến thời gian giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa kéo dài. Nếu có được cơ chế đặc thù, ước tính sẽ rút ngắn quy trình bồi thường - giải tỏa - tái định cư xuống rất nhiều.
Bình luận (0)