* Chuyển giao quyền lực sớm
Sáng nay 21.3, Quốc hội (QH) bước vào kỳ họp 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa 13.
Theo chương trình dự kiến, QH sẽ dành 10 ngày rưỡi, tương đương 1/2 thời gian cho công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo nhà nước, trong đó bầu mới các chức danh Chủ tịch nước (CTN), Thủ tướng Chính phủ (TTCP) và Chủ tịch Quốc hội (CTQH).
Theo chương trình dự kiến trình QH xem xét, thông qua tại phiên họp trù bị sáng nay, quy trình làm nhân sự sẽ được bắt đầu cuối giờ sáng 30.3 với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình QH về việc miễn nhiệm CTQH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia (CTHĐBCQG). Việc miễn nhiệm và bầu mới các chức danh sẽ cùng được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban Kiểm phiếu do QH thành lập ngày 30.3 cũng sẽ tiếp tục làm việc trong các lần bỏ phiếu quyết định nhân sự tiếp theo. Sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm CTQH, CTHĐBCQG.
Việc bầu mới các chức danh CTQH, CTHĐBCQG sẽ được thực hiện vào ngày 31.3. Tiếp đó vào ngày 2.4.2016, QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu CTN sau khi chức danh này được bỏ phiếu miễn nhiệm vào chiều 31.3. Cùng ngày QH sẽ miễn nhiệm Phó CTQH, một số thành viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm một số ủy ban của QH, Tổng kiểm toán Nhà nước. Việc bầu mới các chức danh này sẽ được thực hiện trong hai ngày 4 và 5.4.
Dự kiến sáng 6.4, CTN sẽ trình QH miễn nhiệm TTCP trước khi QH tiến hành miễn nhiệm TTCP bằng hình thức bỏ phiếu kín vào chiều cùng ngày. Theo chương trình TTCP có thể sẽ có bài phát biểu ngay trước khi QH bỏ phiếu miễn nhiệm. Một ngày sau đó, UBTVQH sẽ báo cáo QH về kết quả thảo luận tại đoàn về dự kiến nhân sự bầu TTCP. QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu TTCP. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, TTCP sẽ thực hiện tuyên thệ ngay trong ngày 7.4. Cùng ngày, QH sẽ miễn nhiệm Phó CTN, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao. Việc bầu mới các chức danh này sẽ được thực hiện vào ngày 8.4. Trong các chức danh này chỉ có Chánh án TAND tối cao thực hiện nghi thức tuyên thệ. Ngày 9.4.2016 TTCP trình danh sách để QH phê chuẩn việc bổ nhiệm một số phó TTCP, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Việc phê chuẩn sẽ được thực hiện chiều cùng ngày.
Cũng tại kỳ họp này, TTCP mới sẽ trình QH phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm một số phó thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ (dự kiến ngày 9.4).
Trả lời Thanh Niên, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH, cho biết: “Nhiệm kỳ QH khóa 13 kéo dài đến 7.2016, đến khi tư cách đại biểu của các vị ĐBQH khóa 14 chính thức được xác nhận. Như vậy, các chức danh mới được bầu sẽ chỉ giữ chức cho đến khi QH 14 bầu người thay thế. Trong trường hợp cụ thể mà chúng ta đang nói, thì QH khóa 14 sẽ bầu lại những người vừa được QH khóa 13 bầu mấy tháng trước cho nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm (theo nhiệm kỳ của QH khóa 14). Đấy là tất cả pháp lý của vấn đề.
Có người sẽ cho rằng chỉ còn mấy tháng nữa thì đặt ra vấn đề bầu cử ngay bây giờ để làm gì cho lãng phí. Thực ra, tình trạng ngưng trệ còn có thể gây lãng phí lớn hơn. Cho dù không ai muốn, tình trạng ngưng trệ là rất khó tránh khỏi. Những lãnh đạo xin được thôi đảm nhận chức vụ và được Đảng đồng ý thì không còn tâm thế để thúc đẩy công việc nữa. Những lãnh đạo được Đảng phân công thay thế thì lại chưa có sự chính danh để thúc đẩy công việc. Để kéo dài tình trạng như vậy là không nên".
|
Bình luận (0)