Hôm nay ngày cưới em - Truyện ngắn của Hoàng My

27/10/2016 20:00 GMT+7

Trầm hỏi em tỉ mỉ cách để làm sao đi từ sân bay lên xứ trung du ấy. Rồi lấy ba ngày phép năm, cộng với hai hôm cuối tuần, đặt vé khứ hồi nam bắc.

Bay sáng cho nó lành. Không ai đưa đón nên cần phải cẩn trọng. Người ngoài đó... dữ tính quá. Trầm vơ đũa cả nắm, mặc kệ em í ới phản đối.
Thực ra, nói chẳng có quen biết ai để nhờ đưa đón là chưa chính xác lắm. Hồi trước, anh đã hẹn như đinh đóng cột rằng, tới ngày cưới, em ta sẽ cùng đi. Nghe đâu nhà chú rể gần một khu suối nước nóng nào đấy. Tuyệt! Mùa đó mà được vùi mình trong làn nước ấm áp thì còn gì bằng!...
Cảnh lãng mạn đẹp đẽ bảng lảng như phim cổ trang ấy, anh từng vẽ ra vào mùa yêu đương nào đấy, khi Trầm thèm được bay ra phương bắc cùng anh ngắm lúa chín trên những cánh đồng ruộng bậc thang lạ lẫm. Đối với một người sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, coi cái câu “cò bay thẳng cánh” là chân lý, thì việc đối diện với núi đồi quả là nhiều háo hức. Thêm nữa, được rời xa cái thành phố phương nam quanh năm nắng gió, với cái văn phòng tứ bề bằng kiếng rù rì máy lạnh ấy, đã là một hạnh phúc. Huống gì, Trầm có anh làm tài xế, cùng ăn bánh ngô và thắng cố, uống mấy chén rượu gì đấy khá lạ miệng ở bản làng tít trên đỉnh cao mờ sương núi.
Đời đúng là không nên nói trước điều gì. Người ta đâu phải cứ ở gần sát sàn sạt bên nhau, mặt chạm mặt, tay đụng tay thì mới có thể gây gổ, giận hờn, nghỉ chơi được. Mà cách xa nhau cả gần hai ngàn cây số, thiên hạ vẫn cứ nói dứt tình là buông bỏ cái một. Bạc bẽo là thuộc tính của đàn ông, em vẫn biết đấy. Câu nói đó của anh văng vẳng bên tai khi Trầm nửa nằm nửa ngồi trên chuyến xe đang bon bon đường cao tốc. Hành trình trông quen thuộc đến nao lòng. Trầm mấy lần lấy điện thoại ra khỏi túi, tính nhắn cho anh một hai câu, nhưng lần lữa mãi rồi lại thôi. Muốn cay độc rằng, em đang cùng người mới đi dự cưới đây, anh tưởng mình là ai cơ chứ, báu bở lắm à! Lại thấy thương thương sến súa, muốn bỏ hết mọi tự ái cố chấp, để kể là xe đang ngang qua cảnh cũ tình cũ, và em nhớ. Trầm dưng không nghĩ ngợi, đời được mấy tí, tại sao cứ phải để mấy chuyện chẳng đáng gì khiến cho bản thân khổ sở, đánh mất chính cơ hội của mình thế này? Nhân duyên khó tìm. Được mấy dịp Trầm ra đây gặp lại anh đâu, mà phải dằn hắt nhau cho thêm sầu.
Thế nhưng, khi Trầm báo với em rằng, chị đã đến gần cây số bảy mươi lăm cộng một nửa rồi nhé, thì cái điện thoại vẫn chưa gửi đi cái gì cả, như lẽ ra nó phải thế. Trầm cố kìm lòng. Có đáng đâu. Mình là đàn bà. Mình trẻ hơn người ta cả một thế hệ. Cần gì phải xuống nước...
Bữa cơm chờ Trầm ở nhà em có thịt gà đồi xào lăn, món lạ. Trong nam có lẽ gọi là gà xào xả ớt thì phải. Đọt su su luộc. Trầm thoải mái ngồi giữa gia đình em, gặm mấy cái chân gà, tự nhiên như thể đấy chính là gia đình mình. Lâu rồi Trầm không nấu ăn. Họa hoằn có dịp đứng bếp, Trầm đều hào hứng chụp ảnh và khoe lên mạng xã hội rằng, nhân sự cấp cao đích thân trổ tài đấy nhé. Nhà em lót gạch tàu. Hai bên hông nhà rộng thênh, có giàn chanh dây lúc lỉu những trái xanh xanh hoặc ngả nâu gần chín. Nước đã được trữ sẵn trong lu trong vại, chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của cô con gái duy nhất và cuối cùng còn sót lại. Một con heo be bé được cột vào gốc cây chờ hóa kiếp. Gà nhốt đầy trong chuồng. Gian bếp lờ nhờ tối ngập trong các loại túi lớn túi nhỏ dầu ăn bột chiên xù tỏi tiêu mắm ớt loạn xạ, tỏa ra thứ ánh sáng của củi lửa đang liếm lên lớp xoong nồi đen nhẻm:
- Nhà mình tự nấu tiệc hả cô?
Hỏi xong, Trầm mới nhớ, mình thậm chí đã được em kể cả thực đơn gồm những món gì rồi kia mà. Mẹ em có vẻ phân bua khi bảo, ở đây ai cũng thế cháu ạ. Nhờ bà con lối xóm qua nấu phụ. Chứ thuê người về nấu, người ta mắng cho ấy chứ chẳng đùa!
Cái xứ gì mà còn cổ hủ ghê nhỉ, bày vẽ ra thế cho mệt người chứ được gì. Trầm le lưỡi nhún vai nhưng không nói ra miệng câu nhận xét ấy. Mẹ em gầy gầy, trông hơi già hơn tuổi, giọng nói nhỏ nhẹ dễ nghe. Trầm thấy mình có cảm tình. Đứa em dâu chỉ chừng ngoài hai mươi tuổi, cao ráo xinh xắn đang đút cho thằng con trai nhỏ ăn bữa trưa trễ tràng, mỉm cười chào Trầm, vui vẻ. Cô chị dâu thì mãi cuối chiều hôm ấy Trầm mới gặp. Trầm trộm nghĩ, nhà quê mà có hai đứa con dâu xinh xắn quá. Nét mặt lành lạnh cố hữu của cô chị dâu khiến Trầm thầm nhận xét, em dâu có vẻ thân thiện dễ gần hơn. Mà có khi, chính cuộc sống buồn nhiều hơn vui đã khiến cho cô ấy trở nên muộn phiền đăm đắm như vậy chăng?
Ngoài sân lố nhố những người.
Lâu lắm mới thấy người ta làm một con heo như thế này!
Trầm quẩn quanh cái nia tre to tướng đặt ngay dưới đất, chứa các thứ thịt vừa được xả ra. Không thiếu bộ phận nào. Heo sạch, nuôi ở vùng quê có khác. Lớp mỡ dày, chẳng hề giống cái thứ thịt công nghiệp toàn là nạc, nhìn thôi là đủ thấy nghi ngại e dè.
- Ăn xắp nghĩa là gì hở em?
À, Trầm hiểu rồi. Trong Nam người ta gọi là đi dùm đám, tức là đến phụ giúp nấu nướng bưng bê dọn dẹp. Đông khiếp. Bữa ăn bày hơn chục bàn, người ngồi la liệt. Hết sáng tới trưa rồi tối. Qua ngày thứ hai là Trầm bắt đầu cảm thấy sợ cái từ “ăn cỗ” rồi. Mâm cỗ miền Bắc thật là đặc biệt. Toàn là thịt thà. Tôm cũng mang đi chiên. Chẳng thấy tí rau xanh nào. Cái thức duy nhất có liên quan tới thực vật chắc là măng khô hầm với xương heo. Gà chặt ngay ngắn trong đĩa. Trứng vịt lộn mỗi người một quả. Bàn chỉ có sáu ghế. Đủ nhân sự là ngồi vào đánh chén, ngay và luôn. Dưới bếp, đàn bà ngang nhiên tranh thủ tuồn cho trẻ con mang về cơ man là các thứ ăn được. Lâu lâu trong xóm mới có dịp phủ phê một lần. Người ta tò mò khe khẽ chỉ trỏ khi thấy Trầm lướt ngang, thắc mắc vì sao tới tuổi ấy, con cái chừng ấy mà Trầm còn có thể nhẹ nhõm mặc đầm khoác giỏ đi chơi như này...
Đàn bà xứ mình khổ quá em nhỉ? Trầm bâng quơ như một lời than, khi nằm cùng em trong đêm cuối trước ngày em chính thức về nhà chồng. Căn phòng thời con gái tỏa thứ ánh sáng vàng vọt. Mẹ em vẫn còn đang tất bật dọn dẹp ngoài sân, thi thoảng lại mở túi nhờ người mua thêm thứ nọ thứ kia cho thật đủ đầy. Không thì người ta sẵn sàng chê trách muối mặt ra cháu à. Câu giải thích nhuốm bao nỗi tủi buồn cam chịu. Bố em vẫn đang vô tư hăng hái hát hết bài này đến bài khác trên cái sân khấu dựng tạm, bên dưới chỉ còn lèo tèo vài ông bạn nhậu quen thuộc tháng ngày nán lại. Khuya lắm rồi. Cô chị dâu ngồi phụ kiểm đếm thùng tiền mừng với những cái bao thư mỏng dính, ngao ngán bảo, sao mà họ có thể uống hoài uống mãi uống liên tu bất tận như vậy được cơ chứ?
Vô lý quá, vô lý không chịu nổi. Không phải đám cưới của tui, tại sao tui cũng phải dậy sớm?! Trầm càu nhàu khi bị em thì thầm đánh thức, để dọn chỗ đợi người đến trang điểm cho cô dâu. Thì thôi, chị ngủ thêm đi chị, em phải dậy lấy chồng! Chị em cười xòa, hỉ hả mừng cho cô em gái ruột dư từ nay đã thoát khỏi nỗi lo ế ẩm.
Những công đoạn khóc lóc, ngậm ngùi đưa dâu ấy, Trầm ngỡ chỉ còn trong mấy bộ phim xưa lơ xưa lắc, hóa ra vẫn có cảnh danh xưng trưởng họ, trưởng đoàn là đàn ông, chễm chệ ngồi trên hàng ghế đầu, chửi mắng một phụ nữ rằng “nhà họ Vũ không có thứ con dâu như thế” chỉ vì bà mẹ trẻ ấy để con nhỏ khóc ói lung tung dính dấp. Trầm xem thấy, vừa tức vừa buồn cười. Ai đó nghêu ngao trong đám cưới. Rằng “Con đò sang ngang - đã vắng trước gió mùa thu thổi đưa...”. Trầm ngoảnh đi, thấy mình ủy mị len lén chùi nước mắt. Hôn nhân chưa bao giờ là một sợi dây vững chãi an toàn mãi mãi. Nói chi tình yêu. Nên chỉ dám mong em hạnh phúc được ngày nào hay ngày đó là mừng rồi.
Để em lại nhà chàng trai của mình, Trầm về. Bỏ luôn ý định ghé thăm ai kia một lần. Anh hẳn biết Trầm ra đây, nhưng đã chọn thái độ im lặng. Coi như dứt dạt, buồn vẩn vơ làm gì thêm... Em trai chở Trầm ra ga trên chiếc xe máy chật hẹp những đậu phộng nhà trồng được, măng khô nhà làm được, trà xanh nhà sao được làm quà cho Trầm. Trầm không nỡ từ chối trước cái nắm tay bịn rịn của mẹ em. Ngang qua mảnh sân đang được dọn dẹp dở dang, Trầm cương quyết dúi vào tay cô chị dâu cái lắc tay bằng bạc được chạm trổ tinh xảo mà Trầm đang đeo. Cô gái trẻ có vẻ bơ vơ kỳ lạ khi Trầm quay đi, hiểu rằng cả hai đang cùng tự hỏi, biết có ngày nào còn gặp lại nhau không, trong kiếp người xa lắc bận rộn mỏi mệt của mình?
Xe lửa rưng rưng rời cái thị xã trung du ấy vào cuối buổi chiều muộn. Trầm không dám ngoái lại phía sau, sợ mình rồi sẽ bật khóc vì thương. Xa xót. Như lúc Trầm loanh quanh hết trong bếp lại ra cửa, chẳng biết phải an ủi làm sao đứa em dâu cứ rúc trong căn buồng tù mù tối mà sụt sùi nức nở. Như khi cô chị dâu ướm thử cái món trang sức của Trầm và trầm trồ một câu: Giá anh ấy không lún sâu vào cờ bạc, thì giờ mẹ con em cũng có nữ trang mà đeo. Như lúc Trầm thức dậy và thấy dưới bếp có một đĩa sắn lùi thơm nức mẹ em để phần, chỉ vì Trầm hồn nhiên buột miệng “lâu lắm mới thấy bếp than ngon lành như này, nướng khoai mì ăn thì hết sẩy”. Như khoảnh khắc thằng em trai có vẻ ngoài bặm trợn nhỏ giọng hỏi, khi nào thì chị Trầm lại ra? Khi nào... Trầm đã muốn coi đây là vài bữa rong chơi thư giãn, không nặng nề vướng bận gì, mà sao lòng vẫn trĩu nỗi vương mang khi rời khỏi thế này?
Băn khoăn, Trầm chẳng rõ mình có vô tình là chuyến tàu đêm ngang qua cái thị trấn nhỏ hiu buồn, như trong câu chuyện thuở xưa em còn đi học hay không nhỉ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.