Hôm nay, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh lãnh đạo

25/10/2018 05:13 GMT+7

Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Chiều 24.10, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Theo đó, sẽ có 48 người thuộc các khối Chủ tịch nước, QH, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong diện được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH lần này. Cụ thể, khối Chủ tịch nước có 1 người, khối QH có 18 người, khối Chính phủ có 26 người và 3 người còn lại là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng kiểm toán Nhà nước.
Riêng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ TT-TT thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm, nhưng do mới được bầu và phê chuẩn tại kỳ họp nên sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Theo dự kiến, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều nay. Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn được thực hiện tại kỳ họp cuối năm thứ 3 mỗi nhiệm kỳ, QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu (ĐB) QH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm. Trước đây, QH từng 2 lần lấy phiếu tín nhiệm. Vào tháng 6.2013, QH lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt. Tiếp đó, vào tháng 11.2014, QH lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh.
Sẽ “khắt khe” hơn
Trao đổi với PV Thanh Niên, các ĐBQH khẳng định sẽ “công tâm” và “hết sức thận trọng” trong việc bỏ phiếu tín nhiệm. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng tới nay bà đã có đủ thông tin để bỏ phiếu và “không có một thế lực nào tác động đến tôi về bỏ phiếu”. “Tôi không biết những người được lấy phiếu “tác động” đến ĐB nào, nhưng bản thân tôi không hề chịu một sự ảnh hưởng nào cả, kể cả trong phát biểu, chất vấn, lấy phiếu. Tôi làm ĐB 3 nhiệm kỳ rồi, nhiệm kỳ nào trưởng đoàn cũng rất tôn trọng ĐB”, bà Thúy nói và cho biết cá nhân bà sẽ “khắt khe hơn với các vị bộ trưởng tái cử”. “Còn những vị đến nhiệm kỳ này mới lần đầu làm nhiệm vụ thì mới 2 năm thôi, cũng có những khó khăn nhất định, nên tôi cũng hiểu và chia sẻ. Bộ trưởng có thể rất năng động, rất quyết tâm, nhưng vẫn còn những nguyên nhân khách quan, nên trong đánh giá phải hết sức thận trọng, phải phân định được việc nào liên quan đến trách nhiệm trực tiếp của bộ trưởng, chứ không phải nghe thông tin nào cũng cho là do bộ trưởng”, ĐB Đà Nẵng chia sẻ.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ ông biết sẽ có nhiệm vụ quan trọng là đại diện cho cử tri bỏ lá phiếu đánh giá những người được QH bầu, phê chuẩn, nên đã có quan sát, theo dõi. “Tôi nghĩ đây là giai đoạn rất đặc biệt không những của các vị ĐB mà còn của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, vì lá phiếu của ĐBQH lúc này có ý nghĩa quyết định, thể hiện trách nhiệm của ĐB trước cử tri. Tôi nghĩ là tôi đã có đủ các tư liệu để lựa chọn. Chắc là có nhiều ngành sẽ khiến tôi phải có những đánh giá khắt khe, vì thực tế cho thấy chúng ta có nhiều thành quả đạt được, nhưng cũng có rất nhiều hạn chế. Kết quả lấy phiếu này không phải dùng để cách chức hay thay đổi vị trí của bộ trưởng, mà để bộ trưởng thấy những điều còn thiếu sót để phấn đấu”, ĐB Hiếu nói.
QH phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bộ trưởng Bộ TT-TT
Sáng 24.10, QH bỏ phiếu kín phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel). Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng với 461/469 đại biểu có mặt tán thành. Căn cứ nghị quyết được QH thông qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng chính thức đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT kể từ ngày 24.10, sau 3 tháng được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, 56 tuổi, quê quán tại Bắc Ninh. Ông học kỹ sư vô tuyến điện tại Trường Thông tin Ulianop - Liên Xô; có bằng thạc sĩ viễn thông của Trường ĐH tổng hợp Sydney (Úc); thạc sĩ kinh tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ông từng giữ các chức vụ Phó giám đốc Công ty điện tử viễn thông quân đội; Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel)... Ông được phong thiếu tướng Quân đội nhân dân VN vào năm 2012. Tháng 1.2016, ông được bầu làm Ủy viên BCH T.Ư Đảng. Từ tháng 7.2018 đến nay, ông là Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng TT-TT kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.