Hôm nay, tòa xem xét lại mức án tử hình đối với Trương Mỹ Lan

04/11/2024 06:04 GMT+7

Hôm nay 4.11, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm giai đoạn 1.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của các bị cáo gồm: Trương Mỹ Lan; Trương Huệ Vân (38 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan); Chu Lập Cơ (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan); Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước); Nguyễn Cao Trí (55 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Capella)…

Hôm nay, tòa xem xét lại mức án tử hình đối với Trương Mỹ Lan- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa

ẢNH: NHẬT THỊNH

Ngoài ra, vụ án còn có kháng cáo của bị hại là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Công ty CP T&H Hạ Long, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh… đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm.

Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 25.11.

Bị cáo Trương Mỹ Lan ngày ra tòa phúc thẩm

Trương Mỹ Lan kháng cáo gì ?

Trong đơn kháng cáo viết tay dài 6 trang, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng mình bị bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM phạt mức án tử hình cho cả 3 tội danh: tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù) và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, là "quá nặng nề và quá nghiêm khắc".

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Lan phần lớn tập trung nói về tâm tư trong quá trình hoạt động kinh doanh của gia đình. Cũng theo bị cáo Lan, trong suốt quá trình điều tra cho tới phiên tòa sơ thẩm, bị cáo luôn thể hiện sự tự nguyện mang hết tài sản và sức lực phối hợp SCB giải quyết khắc phục hậu quả cùng các dự án đang dở dang để thu hồi đúng giá trị cho SCB.

Theo bị cáo Lan, đây là ngân hàng thương mại cổ phần có hàng nghìn cổ đông và hàng nghìn khách hàng vay tiền gồm các cá nhân, doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. SCB hoạt động theo luật Tổ chức tín dụng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước… suốt 11 năm. SCB không phải là một công ty TNHH mà quy buộc cho một cá nhân chịu trách nhiệm toàn bộ.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn cho rằng hai vợ chồng bị cáo và cháu gái Trương Huệ Vân có nhiều công sức đóng góp cho cộng đồng, trong đó có giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như tài trợ nhiều thực phẩm, vắc xin, xây dựng bệnh viện dã chiến…

"Kính xin hội đồng xét xử xem xét thấu đáo và có đường lối xử lý phù hợp với gia đình tôi cùng một số cá nhân khác để chúng tôi nhận được sự khách quan, công bằng, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật", bị cáo Lan nêu trong đơn.

Trương Mỹ Lan phải bồi thường hơn 673.800 tỉ đồng

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM vào tháng 4.2024, ngoài tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình, tòa còn phạt tù chung thân đối với 3 cựu lãnh đạo cấp cao tại SCB: bị cáo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT (đang bỏ trốn); bị cáo Bùi Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT; bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc; và bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

Bị cáo Chu Lập Cơ bị tuyên phạt 9 năm tù; bị cáo Trương Huệ Vân bị tuyên phạt 17 năm tù. Các bị cáo còn lại, tòa tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù. Trong đó, có 17 bị cáo được tòa cho hưởng án treo và trả tự do ngay tại tòa.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỉ đồng, vì bản chất bị cáo sử dụng toàn bộ số tiền này; bị cáo Lan cũng phải chịu hơn 673 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm. Tòa tuyên tiếp tục kê biên các bất động sản liên quan đến Trương Mỹ Lan, bao gồm biệt thự cổ 112 Võ Văn Tần (Q.3), và tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM)...

Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an xác minh làm rõ dòng tiền 108.878 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD mà bị cáo Lan nhận từ SCB để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả…

Bên cạnh đó, hôm 17.10, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm còn bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Tòa phạt bị cáo Lan tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân về 3 tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); rửa tiền (12 năm tù); vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (8 năm tù). Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.869 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại.

Theo bản án, bị cáo Lan và 33 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỉ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỉ đồng. Theo tòa, các bị cáo sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra) phát hành 25 mã trái phiếu "khống" trị giá hơn 30.869 tỉ đồng. Từ đó, thông qua công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng nghìn người dân.

Trương Mỹ Lan viết tay đơn kháng cáo 6 trang, có nội dung gì?

Bị cáo Nguyễn Cao Trí là bị cáo duy nhất trong vụ án bị đưa ra xét xử không liên quan đến sai phạm xảy ra tại SCB hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Trí bị xét xử về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", khi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng. Tại tòa, bị cáo Trí thừa nhận hành vi phạm tội và vận động gia đình khắc phục tiền mặt hơn 771 tỉ đồng; đưa tài sản vào để đảm bảo khắc phục toàn bộ cho bị cáo Lan. Vì vậy, tòa sơ thẩm TAND TP.HCM phạt bị cáo Trí 8 năm tù.

Tòa tuyên chuyển 1.000 tỉ đồng bị cáo Nguyễn Cao Trí khắc phục cho Trương Mỹ Lan sang cho SCB; chuyển toàn bộ tiền các bị cáo khác tự nguyện khắc phục hậu quả cho SCB để đảm bảo nghĩa vụ của Trương Mỹ Lan trong vụ án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.