Ngoài việc các bị cáo phải đối mặt mức án cao nhất là tử hình, việc “chia phần” và đường đi, cũng như “số phận” của khoản tiền này còn rất nhiều bí ẩn.
Theo dự kiến, sáng nay (16.12), TAND TP.Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ, xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone.
|
Hơn 40 luật sư (LS) đăng ký tham gia bào chữa cho 14 bị cáo. Trong số này, bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT, có 3 LS; bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT, có 5 LS; cựu Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ có 3 LS.
Theo quyết định của TAND TP.Hà Nội, vụ án xét xử kéo dài 16 ngày (từ 16 - 31.12, bao gồm cả thứ bảy và chủ nhật). HĐXX gồm 5 người, thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu là Chủ tọa phiên tòa. Viện KSND TP.Hà Nội phân công 3 kiểm sát viên cao cấp tham gia giữ quyền công tố tại tòa, gồm: ông Đặng Như Vĩnh, bà Trần Thị Thanh Huyền và ông Phan Hải Đăng.
Do tính chất quan trọng của vụ án, tòa án và viện kiểm sát còn bố trí dự khuyết thêm 6 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân và 1 kiểm sát viên.
6,2 triệu USD “lót tay” đã thu hồi được bao nhiêu?
Theo cáo trạng, năm 2015, Tổng công ty viễn thông MobiFone (100% vốn nhà nước, cơ quan chủ quản là Bộ TT-TT) muốn lấn sân kinh doanh lĩnh vực truyền hình nên chủ trương mua lại một công ty truyền hình. Qua giới thiệu của bị cáo Nguyễn Bắc Son, MobiFone nhắm đến Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Thời điểm này, AVG kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn. Để nâng cao giá trị AVG trong lúc đàm phán với MobiFone, bị cáo Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu USD và đã nhận đặt cọc 10 triệu USD. Bị cáo Phạm Nhật Vũ sau đó nhiều lần liên hệ, đề nghị các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và các lãnh đạo MobiFone nhanh chóng thúc đẩy thực hiện dự án.
|
Từ đây, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã "chỉ đạo quyết liệt" MobiFone phải mua cổ phần của AVG. Cuối năm 2015, MobiFone đã mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng, gây thiệt hại nhà nước gần 6.600 tỉ đồng.
Trong vụ án này, ngoài tội danh vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Viện KSND tối cao truy tố 5 bị can về tội nhận và đưa hối lộ.
Theo đó, dù biết rõ dự án MobiFone mua lại AVG chưa được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cấp dưới Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng) ký Quyết định 236 và chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐQT MobiFone khi đó, cùng Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải ký hợp đồng trị giá gần 8.900 tỉ đồng.
Kết quả, AVG bán được 95% cổ phần của mình với giá 8.900 tỉ đồng, cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, gây thiệt hại cho MobiFone gần 6.600 tỉ đồng. Hiện số tiền 8.900 tỉ đồng đã được cựu Chủ tịch AVG giao nộp toàn bộ và khắc phục cả số tiền lãi phát sinh.
Gia đình bị cáo Son không hợp tác giao nộp lại tiền
Về khoản tiền nhận hối lộ, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đều khai nhận, trong quá trình thực hiện dự án và sau khi MobiFone thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã hối lộ tổng cộng khoảng 137,5 tỉ đồng.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD (gần 66,5 tỉ đồng), bị cáo Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD (55,6 tỉ đồng), bị cáo Cao Duy Hải nhận 500.000 USD (khoảng 11 tỉ đồng), và bị cáo Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD (hơn 4,45 tỉ đồng). Ngoài ra, bị cáo Trương Minh Tuấn còn khai thực hiện sự chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son là vì được Nguyễn Bắc Son hứa hẹn tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Tuy nhiên, điều đáng nói, ngoài 2 căn nhà của bị cáo Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son đã được kê biên, còn lại Cơ quan CSĐT mới thu hồi được khoảng hơn 70 tỉ đồng do gia đình và các bị can giao nộp, cũng như tài khoản ngân hàng bị phong tỏa.
Riêng bị cáo Nguyễn Bắc Son, được xác định là chủ mưu, nhận số tiền lót tay nhiều nhất, nhưng đến nay CSĐT mới kê biên được ngôi nhà số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế, P.Cửa Đông, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, đứng tên chủ sở hữu của bị cáo Son và vợ; đồng thời, phong tỏa tài khoản tiết kiệm của bị cáo tại ngân hàng với số tiền gần 592 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP.HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền, bị cáo Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh, bà Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ cha mình là bị cáo Nguyễn Bắc Son.
“Bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền”, cáo trạng của Viện KSND nêu rõ, đồng thời đề nghị HĐXX khi xem xét quyết định hình phạt đối với tội danh này cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả, áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, nhất là các bị cáo đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.
Với bị cáo Trương Minh Tuấn, CQĐT đã kê biên nhà đất tại P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, Hà Nội đứng tên hai vợ chồng bị cáo; phong tỏa tài khoản tiết kiệm trị giá 2,1 tỉ đồng của Trương Minh Tuấn tại một ngân hàng. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng đã phong tỏa 2 sổ tiết kiệm của bị cáo Lê Nam Trà, 1 sổ 937,6 triệu đồng và 1 sổ 850 triệu đồng.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đều ở khoản 4, điều 354 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017; với khung án cao nhất là tử hình.
“Toàn bộ bị cáo đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa”Trước phiên xét xử, trên mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh được cho là ông Trương Minh Tuấn với dáng vẻ tiều tụy tại một “phòng cấp cứu ở bệnh viện” với các loại máy móc hỗ trợ sức khỏe. Dư luận đặt ra câu hỏi ông Trương Minh Tuấn bị bệnh gì và có đủ sức khỏe để dự phiên tòa kéo dài trong 2 tuần lễ? Đáng chú ý, trong thời gian bị xét xử về vụ án liên quan đến AVG, ông Trương Minh Tuấn cũng bị TAND tỉnh Phú Thọ triệu tập đến tòa vào ngày 25.12 để xét xử vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có liên quan đến nguyên Chánh thanh tra Bộ TT-TT Đặng Anh Tuấn.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 15.12, một lãnh đạo TAND TP.Hà Nội cho biết, trong vụ án này một số bị cáo có vấn đề về sức khỏe, trong đó ông Trương Minh Tuấn bị bệnh về tim mạch, đã 2 lần đặt stent; ông Phạm Nhật Vũ khó thở vào ban đêm. “Tuy nhiên, toàn bộ bị cáo đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa”, vị này cho biết.
Trong khi đó, lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ cũng cho biết, phiên xét xử bị cáo Đặng Anh Tuấn về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ diễn ra ngày 25.12. Ông Trương Minh Tuấn bị tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vụ án này từng được đưa ra xét xử nhưng sau đó bị hoãn và ông Trương Minh Tuấn đã có đơn xin vắng mặt. “Theo quy định pháp luật, trong thời gian xét xử, ông Trương Minh Tuấn buộc phải có mặt ở TAND TP.Hà Nội chứ không thể đi một nơi khác. Việc ông Tuấn vắng mặt trong phiên tòa ở Phú Thọ cũng không ảnh hưởng gì đến việc xét xử vụ án”, vị này cho biết.
|
14 bị can trong vụ án được chia thành 3 nhóm tội danh, trong đó: Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3 điều 220 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn bị truy tố tội nhận hối lộ quy định tại khoản 4 điều 354 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; Phạm Nhật Vũ bị truy tố tội đưa hối lộ quy định tại khoản 4 điều 364 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
|
Bình luận (0)