Hơn 1 triệu USD mỗi ngày để bảo vệ ông Trump

23/11/2016 07:27 GMT+7

Chính quyền New York phải chi hơn 1 triệu USD/ngày để bảo vệ Tháp Trump, “đại bản doanh” của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, công tác đảm bảo an ninh xung quanh Tháp Trump ở New York trở thành “thách thức chưa từng có” đối với chính quyền thành phố. Nơi này không những là tư dinh của tổng thống đắc cử mà còn là một trong những địa điểm thu hút du khách nhất tại New York. NBC News ngày 22.11 dẫn lời ông John Miller, Phó cảnh sát trưởng Phụ trách tình báo và chống khủng bố của Sở Cảnh sát New York, cho hay chi phí bảo vệ khu vực này hiện khoảng hơn 1 triệu USD/ngày.
Thách thức an ninh
Mỹ, Philippines “đồng ý giảm quy mô tập trận chung”
Ngày 22.11, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris hội đàm với giới chức quốc phòng cấp cao của Philippines về tương lai hợp tác giữa hai bên. Theo Reuters, sau cuộc họp kín tại căn cứ Aguinaldo của Philippines, hai bên không thông báo chi tiết mà ra tuyên bố chung khẳng định quan hệ quân sự song phương vẫn sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ, nhất là về an ninh hàng hải, chống khủng bố và viện trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức Manila giấu tên có tham gia hội đàm tiết lộ Philippines và Mỹ “nhất trí giảm quy mô, số lượng tập trận chung cũng như số lượng binh sĩ Mỹ tham gia”. Ông này cho biết thêm các cuộc diễn tập sắp tới sẽ tập trung vào hoạt động cứu trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai và những bài tập quân sự “phi truyền thống”.
Các hàng rào chắn, những khối bê tông và lực lượng an ninh vũ trang tận răng giờ đây đang bao quanh tòa nhà chọc trời trên đại lộ số 5 của New York. Hiện tổng thống đắc cử Mỹ cùng gia đình vẫn đang sống và làm việc chủ yếu tại Tháp Trump, trước khi chính thức tiếp nhận Nhà Trắng vào ngày 20.1.2017.
Tuy nhiên, ông Trump cũng đã tỏ ý là sau thời điểm nhậm chức, ông sẽ không ở hẳn tại Nhà Trắng mà vẫn thường xuyên trở về New York. Đệ nhất phu nhân tương lai Melania Trump và con trai út Barron (10 tuổi) sẽ vẫn ở đây ít nhất cho đến khi cậu bé kết thúc năm học. Vì thế, theo Phó cảnh sát trưởng Miller, thách thức lớn nhất mà họ đang đối mặt là làm sao phối hợp với lực lượng mật vụ bảo vệ an toàn cho nhà lãnh đạo mà vẫn bảo đảm hoạt động thường lệ tại Manhattan, khu vực sầm uất và tráng lệ nhất New York.
Hiện vùng cấm bay đã được thiết lập tại vùng trời bên trên Tháp Trum. Theo AP, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ cấm bất kỳ máy bay nào đi vào khu vực bán kính 3,2 km tính từ tòa nhà và xâm phạm độ cao 914 m tính từ nóc tòa tháp 58 tầng. Lệnh cấm này đã lập tức ảnh hưởng hành trình nhiều tour tham quan bằng trực thăng tại New York, giới hạn hoạt động trực thăng của các hãng truyền thông cũng như buộc máy bay thương mại phải đi vòng.
Một hành lang xe tải chứa đầy cát cũng được đặt dọc theo đại lộ số 5 để chống nguy cơ tấn công bằng bom xe. Bên cạnh đó, trang tin Military.com dẫn lời giới chức cho hay một dinh thự khác của ông Trump ở Florida cũng sẽ được bảo vệ bởi đơn vị rà phá bom tinh nhuệ thuộc không quân Mỹ.
Mỹ “sẽ rút khỏi TPP”
Cũng trong ngày 22.11, Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra đoạn phim quay bài phát biểu dài 2 phút rưỡi để công bố kế hoạch sẽ triển khai trong 100 ngày đầu tiên chính thức cầm quyền. Đáng chú ý nhất là ông Trump khẳng định sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) “ngay ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng”. Ông tuyên bố sẽ tìm cách thay thế TPP bằng những thỏa thuận thương mại “công bằng hơn” nhằm “khôi phục luật lệ và mang về việc làm cho chúng ta”.
“Dù là sản xuất sắt thép hay chế tạo ô tô, tôi muốn tất cả diễn ra ngay tại nơi này, trên mảnh đất quê hương vĩ đại của chúng ta. Hãy tạo ra sự thịnh vượng và việc làm cho người lao động Mỹ”, tổng thống đắc cử tuyên bố.
Theo Reuters, do quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua TPP nên ông Trump có thể tự tiến hành quá trình rút khỏi hiệp định dưới dạng sắc lệnh hành pháp mà không cần phải mang ra lưỡng viện lập pháp. Những tuyên bố mới của tổng thống đắc cử Mỹ đã “dội gáo nước lạnh” vào nỗ lực của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama và giới chức Washington.
Tại đợt Hội nghị APEC vừa qua ở Peru, ông Obama cùng Ngoại trưởng John Kerry đã cố gắng trấn an các đối tác rằng hy vọng cho TPP vẫn chưa tắt hẳn. Hiệp định này được xem là một trong những cột trụ trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền ông Obama và được chính thức ký kết hồi tháng 2, sau quá trình đàm phán khó khăn.
Ngày 22.11, BBC dẫn lời Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nhấn mạnh các bên còn lại vẫn ủng hộ mạnh mẽ cho TPP, và tùy thuộc vào ông Trump lẫn quốc hội mới của Mỹ sẽ lựa chọn như thế nào để “phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Mỹ”.
Tương tự, Thủ tướng New Zealand John Key nhận định: “Mỹ không phải là một đảo quốc, không thể chỉ ngồi đấy và tuyên bố rằng chẳng màng chuyện giao thương với phần còn lại của thế giới”. Ngược lại, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhận xét: “Không có Mỹ, TPP chẳng còn ý nghĩa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.