Hơn 10 năm xin tiền giúp người nghèo

07/03/2018 09:12 GMT+7

Anh đăng hình ảnh, thông tin cụ thể về trường hợp cần giúp đỡ trên trang Facebook cá nhân để mọi người có thể giúp đỡ thông qua anh hoặc giúp trực tiếp.

Sau giờ buôn bán trái cây trong con hẻm nhỏ trên đường Pasteur, Q.1 (TP.HCM), anh Phạm Văn Dũng (42 tuổi) lại đến các bệnh viện hay các địa phương để tìm hiểu hoàn cảnh, nỗi đau của từng phận người rồi kêu gọi sự giúp đỡ.
“Mình ít tiền nên bỏ công sức để chia sẻ phần nào khó khăn của những hoàn cảnh kém may mắn. Tiếp xúc, xác minh các trường hợp thương tâm là việc khá nhạy cảm. Mình đến là mang cho họ một niềm tin lúc tuyệt vọng. Nếu sau đó mình không giúp đỡ được thì sự thất vọng nhân đôi. Vì vậy, mình đến như người khách tình cờ, thăm hỏi và ghi nhận”, anh Dũng bộc bạch.

Sau khi tìm hiểu, anh đăng hình ảnh, thông tin cụ thể về trường hợp cần giúp đỡ trên trang Facebook cá nhân để mọi người có thể giúp đỡ thông qua anh hoặc giúp trực tiếp. Việc kêu gọi, nhận tiền từ bạn bè, trao cho hoàn cảnh khó khăn được anh Dũng cập nhật danh sách đầy đủ, công khai trên trang cá nhân kèm hình ảnh. “Mọi người tin mình mới chuyển tiền để nhờ mình đi trao. Một khi mình minh bạch thì người cho sẽ an lòng, bản thân mình cũng thấy vui vì làm tròn được nhiệm vụ mà mọi người tin tưởng”, anh Dũng nói.
Cứ thế, gần 10 năm qua, người có tấm lòng với cộng đồng kết bạn với anh ngày càng nhiều, gửi gắm ở anh sự tin tưởng. Chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ P.4, Q.8, TP.HCM), người hay giúp các hoàn cảnh khó khăn thông qua anh Dũng, cho biết: “Tôi thật sự quý trọng tấm lòng, công việc mà anh Dũng đang làm. Tôi và có lẽ rất nhiều anh chị muốn giúp những người ít may mắn hơn nhưng không biết địa chỉ nào, liệu địa chỉ đó có đáng tin cậy không. Nhìn cách anh Dũng thực hiện công việc, tôi rất tin tưởng!”.
Không chỉ tìm hiểu hoàn cảnh, sức khỏe của bệnh nhân, người nghèo, anh Dũng còn nắm bắt ước mơ của họ. Một bé gái nhà nghèo, bị ung thư mơ có chiếc bánh kem, bộ đồ đẹp nhân ngày sinh nhật hay một bệnh nhi nam mong một bộ đồ siêu nhân… đều được anh nhanh chóng biến điều ước thành sự thật. Rồi những bệnh nhân không qua khỏi, anh cùng gia đình đưa về nhà, lo hậu sự, thông báo cho bạn bè đã từng giúp đỡ được biết.
Ngoài bệnh viện, ra đường hay đi bất kỳ đâu, gặp hoàn cảnh khốn khó anh lập tức tìm hiểu, lên phương án giúp đỡ. Rồi những bữa ăn ngon cũng được anh cùng nhóm bạn tổ chức thường xuyên vào cuối tuần, phục vụ cho các bệnh nhân tâm thần, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật… tại các trung tâm, nhà mở.
Hỏi vợ anh, chị Cao Thị Tám, có buồn không khi chồng tối ngày lo chuyện… bao đồng, chị thành thật: “Mới đầu tôi bực lắm. Bỏ vợ con, vào những nơi không ai muốn đến; tới các vùng xa, đi mãi, đen thui, có lúc bệnh; rồi sợ tai nạn trên đường... Dần dần, thấy ảnh cực khổ nhưng mang lại niềm an ủi, động viên, thậm chí thay đổi số phận của nhiều người nên tôi ủng hộ, có lúc cũng xin đi theo”.
Danh sách những hoàn cảnh cần giúp đỡ trên trang cá nhân của anh Dũng ngày một dài thêm. Bất chấp nắng mưa, anh cứ đi, tìm kiếm, kêu gọi sự giúp đỡ. “Chắc ông trời chọn mình để thực hiện công việc này nên mình sẽ còn làm, làm đến khi nào không còn đi được nữa thì thôi”, anh Dũng cười hiền thổ lộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.