Hơn 11 tỉ USD hàng hóa Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế vào châu Âu

27/11/2023 17:44 GMT+7

Trong 9 tháng đầu năm 2023, hơn 11 tỉ USD hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU đã tận dụng được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Xét theo ngành nghề thì dẫn đầu là gạo và thủy sản.

Gạo và thủy sản đứng đầu về tận dụng FTA

Ngày 27.11, tại TP.HCM, Bộ Công thương tổ chức diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU. Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Tính đến ngày 1.8.2023, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EU) gọi tắt là EVFTA đã tròn 3 năm. Một trong những kết quả có thể đo đếm bằng con số là tỷ lệ hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan tăng lên theo từng năm. Cụ thể, trong năm đầu tiên có khoảng 20% hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế quan, đến năm 2022 tỷ lệ này tăng lên khoảng 25,9% và năm 2023 là 35%.

Hơn 11 tỉ USD hàng hóa Việt Nam tận dụng được EVFTA - Ảnh 1.

Gạo và thủy sản dẫn đầu trong số các sản phẩm tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA

CHÍ NHÂN

Xét về con số tuyệt đối, trong 9 tháng vừa qua của năm 2023 có đến hơn 11 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. EU là một trong hai đối tác có kim ngạch xuất khẩu mà chúng ta cấp CO để hưởng ưu đãi thuế theo các FTA lớn nhất. Tỷ lệ hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan ở thị trường EU chiếm đến 18% tổng kim ngạch hàng hóa được hưởng ưu đãi theo các FTA.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết quý 3/2023 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU đạt 15,1 tỉ USD. Một trong những lý do quan trọng của việc tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan là do các doanh nghiệp ngày càng tiếp cận được nhiều thông tin và vận dụng tốt hơn. Bên cạnh đó, đến năm 2023 các ưu đãi thuế quan khác dần hết hiệu lực và chỉ còn ưu đãi theo EVFTA nên các doanh nghiệp chuyển sang khu vực này.

Xét theo nhóm hàng thì gạo là mặt hàng tận dụng tốt nhất EVFTA với tỷ lệ là 100%, kế đến là thủy sản hơn 90%, sau đó là các mặt hàng thực phẩm và bánh kẹo… "Cơ hội của Việt Nam vẫn còn rất lớn ở thị trường EU vì đây là một thị trường nhập khẩu nông thủy sản lớn nhất thế giới. Nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, chống phá rừng", bà Hương khuyến cáo.

Nguy cơ bị đánh thuế môi trường nếu chậm chuyển đổi

Ở chiều ngược lại, thách thức lớn nhất của hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới là phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về bảo vệ môi trường của EU. Bà Lin Goethals, Giám đốc Viện châu Âu nghiên cứu châu Á (EIAS), nói: Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã làm cho nền kinh tế toàn cầu thiệt hại tương đương 3,2% GDP. Chính vì vậy, các quốc gia châu Âu đang thúc đẩy chương trình Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal - EGD), theo đó đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường.

Trong tương lai, những ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều là thép, nhôm, may mặc… Đây là những ngành không chỉ cần giảm phát thải mà có thể còn phải trả phí môi trường để có thể đưa hàng vào được EU. Dĩ nhiên, các đối tác nhập khẩu ở châu Âu cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của các nhà cung cấp Việt Nam là điều vô cùng quan trọng. Chính phủ Việt Nam cũng cần nguồn lực tài chính tốt để hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Bureau Veritas Việt Nam, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về môi trường cho biết: Từ tháng 10.2024, EU sẽ bắt đầu thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và sẽ có một năm chuyển tiếp 2025, đến năm 2026 áp dụng chính thức. Chính vì vậy, nếu các doanh nghiệp không nhanh chân và chủ động thực hiện thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa hàng vào EU trong thời gian tới hoặc bị đánh thuế môi trường rất cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.