Theo ông Khanh, vấn đề xử lý thuế đối với ô tô được miễn thuế của các đối tượng ngoại giao nhưng sử dụng không đúng mục đích đã được đặt ra từ những năm 2009. Đến năm 2010, thống kê của Bộ Tài chính cho biết cả nước có 4.366 xe ngoại giao. Trong đó có 230 xe đã làm thủ tục tái xuất, 1.758 xe đã làm thủ tục chuyển nhượng hoặc tiêu hủy. Còn lại 2.378 xe chưa hoàn tất thủ tục. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, trong số này có khoảng 1.158 chiếc của các đối tượng ngoại giao đã hết thời hạn công tác tại VN; còn lại hơn 1.200 xe ngoại giao được cho là đang lưu hành bất hợp pháp.
Từ thực trạng này, năm 2010, Bộ Tài chính đã soạn dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý thuế, thanh khoản hồ sơ đối với xe ngoại giao chưa làm thủ tục chuyển nhượng, chưa nộp thuế, theo hướng yêu cầu các chủ xe mới phải đến kê khai, làm thủ tục tính, nộp thuế, thanh khoản hồ sơ theo quy định. Trị giá tính thuế được xác định theo giá trị sử dụng còn lại của xe tính theo thời gian sử dụng tại Việt Nam, với mức thuế suất từ 5-90%. Theo phương án này, số tiền thuế dự kiến thu được khoảng 40 - 50 tỉ đồng.
“Dù phương án được tính rất kỹ lưỡng, nhưng khi đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành thì không thống nhất được quan điểm nên đến nay thông tư không thể ban hành”, ông Khanh nói.
Lách luật, trốn thuế
Theo một cán bộ Cục CSGT đường bộ-đường sắt (Bộ Công an), người có thân phận ngoại giao khi tới VN làm việc sẽ có tiêu chuẩn mua ô tô ở nước ngoài với diện ưu đãi. Họ làm thủ tục tạm nhập xe từ nước ngoài vào VN để lưu thông trong thời gian công tác. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc, họ đã không làm thủ tục tái xuất mà viết giấy bán xe cho các cá nhân có nhu cầu. Theo quy định đánh thuế theo bậc thang số năm xe lưu hành trên lãnh thổ VN nên đã có không ít người lợi dụng việc này để trục lợi. Xe lưu hành vài tháng phải đóng thuế tới 90%, nhưng xe lưu hành trên 10 năm mức thuế chỉ là 0% nên nhiều người kéo dài thời gian lưu hành để tránh phải đóng thuế.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Duy Khanh, đối chiếu theo quy định pháp luật không có điểm nào cho phép cơ quan chức năng tịch thu phương tiện như việc Công an tỉnh Phú Thọ đã làm.
“Trong những trường hợp này, đối tượng nộp thuế, trốn thuế chính là những người nước ngoài chứ không phải người VN đã mua những chiếc xe này”, ông Khanh nói.
Theo quy định Thông tư Liên tịch 03/2007 của liên bộ Công thương-Tài chính-Ngoại giao hướng dẫn việc tạm nhập, tái xuất khẩu, chuyển nhượng các vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt và công tác của các cơ quan ngoại giao, thì người có thân phận ngoại giao đứng tên xe khi không có nhu cầu sử dụng xe muốn bán cho người khác, cá nhân họ hoặc tổ chức ngoại giao phải làm các thủ tục sang tên đổi chủ và thực hiện các nghĩa vụ thuế trong vòng 6 tháng. Luật thuế quy định đối tượng trốn thuế là người không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nhưng trong sự việc này thì người có thân phận ngoại giao đã về nước và tổ chức ngoại giao không thực hiện nghĩa vụ, nhưng lại thiếu các chế tài xử lý.
“Thông tư 03 quy định những người có thân phận ngoại giao khi về nước phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế thì mới được xuất cảnh. Tuy nhiên, trong quy định miễn trừ ngoại giao thì đây là đối tượng miễn trừ xử lý hành chính. Đây là những vấn đề rất khó xử lý. Những khúc mắc này chúng tôi đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng chưa có ý kiến phản hồi”, ông Khanh cho hay.
Cũng theo ông Phạm Duy Khanh, pháp luật hiện hành về thuế còn thiếu nhiều quy định khác, ví dụ không có quy định rõ ràng về thời điểm thu thuế khi người có thân phận ngoại giao viết giấy bán xe, thời hạn 6 tháng hay thời điểm lưu hành trên đường bị CSGT bắt giữ… “Đây là hàng loạt vấn đề mà chúng tôi đã đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét nhằm có biện pháp xử lý”, ông Khanh nói.
Thái Sơn
>> “Hóa kiếp” xe gian - Kỳ 3: Điểm mặt những trùm liên tỉnh
>> Khởi tố 4 bị can "hóa kiếp" xe gian
>> “Hóa kiếp” xe gian - Kỳ 2: Phù phép giấy tờ và biển số
>> “Hóa kiếp” xe gian
>> Phá ổ “xẻ thịt” xe gian
>> Phá đường dây tiêu thụ xe gian quy mô lớn
>> Tạm giam 3 tháng kẻ tiêu thụ xe gian
Bình luận (0)