Ngày 27.8, tin từ BHXH TP.HCM cho biết mới đây đơn vị đã đăng tải danh sách các cơ quan, doanh nghiệp đang nợ BHXH tại TP.HCM tính tới cuối tháng 7.2024. Theo đó, có tới 16.618 đơn vị đang nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Con số này giảm so với số liệu thống kê hồi tháng 6 (với hơn 17.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH).
Trong đó, có nhiều đơn vị nợ đóng BHXH trong khoảng thời gian dài, với số tiền lên tới trên 10 tỉ đồng, như Công ty CP dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (nợ 77 tháng với số tiền hơn 38 tỉ đồng), Công ty CP thương mại dịch vụ Thiếu Nhi Mới (nợ 51 tháng với hơn 31 tỉ đồng), Công ty CP đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế (nợ 16 tháng với hơn 10,8 tỉ đồng), Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (nợ 13 tháng với hơn 44,8 tỉ đồng), Công ty TNHH may mặc sản xuất Quang Thái (nợ 47 tháng với hơn 12 tỉ đồng)...
Tình trạng nợ BHXH tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã là "chuyện cũ nói mãi". Mặc dù các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan BHXH, đã có nhiều giải pháp đốc thúc, thanh kiểm tra, xử phạt hành chính... tuy nhiên thực trạng này vẫn kéo dài. Bên cạnh đó, tới nay, vẫn chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự và một trong những lý do nằm ở khâu giấy tờ, thủ tục, chứng cứ.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng nợ BHXH này chủ yếu là vì ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sử dụng lao động chưa tốt; nhiều doanh nghiệp cố tình "chây ì", trốn đóng; ngoài ra còn do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc trích nộp BHXH.
Các bên liên quan kỳ vọng vào luật BHXH sửa đổi mới đây và các văn bản hướng dẫn sắp tới sẽ tạo cơ sở pháp lý tốt hơn để xử lý các chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Bình luận (0)