Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Tiền Giang trong việc duy trì đà tăng trưởng ở mức cao 8%/năm trong nhiều năm liền, số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng lên... Tuy nhiên, theo Thủ tướng, với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và đặc biệt là được thừa hưởng kinh nghiệm phát triển thương mại, dịch vụ hàng đầu trong nhiều thế kỷ qua tại khu vực Nam bộ thì thực trạng phát triển tại TP.Mỹ Tho nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung như hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Theo Thủ tướng, Tiền Giang hiện vẫn là một trong những cửa ngõ quan trọng nối vùng ĐBSCL với đầu tàu kinh tế TP.HCM. Tỉnh có hệ thống giao thông thủy bộ rất thuận lợi và phát triển với QL1 đi qua, kênh Bảo Định, kênh Chợ Gạo và đường bờ biển dài 32 km... Tiền Giang được phù sa sông Tiền bồi đắp quanh năm hình thành nên vùng đất cây lành trái ngọt với diện tích và sản lượng cây ăn trái lớn nhất vùng ĐBSCL. Lợi thế này, cùng với chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết, Thủ tướng kỳ vọng tỉnh Tiền Giang sẽ xây dựng, phát triển thương hiệu để trở thành vùng chỉ dẫn địa lý cho cây ăn trái của cả nước, “vương quốc trong vương quốc trái cây ĐBSCL”...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hồi thế kỷ 17, Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay) cùng với Cù Lao Phố (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) từng là 2 trung tâm thương mại lớn nhất Nam kỳ, trong khi Sài Gòn (TP.HCM ngày nay) khi đó giữ vai trò là trung tâm quân sự. Ngày nay, điều kiện của Tiền Giang vẫn không thay đổi, vậy vì sao chúng ta chưa phát triển tương xứng? Chúng ta phải làm sao để phục hưng Tiền Giang phát triển như xưa chứ...”.
Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới, chính quyền tỉnh cần hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp và người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh việc phát triển công nghiệp công nghệ cao cũng cần phải chú ý phát triển các ngành giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trao quyết định đầu tư cho 22 dự án, trao chủ trương cho 9 dự án với tổng vốn khoảng 16.000 tỉ đồng; đồng thời công bố danh mục 19 dự án kêu gọi đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Theo ông Hưởng, thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đối thoại nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vướng mắc cho nhà đầu tư. Hiện, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các nhà đầu tư ngoài các khu công nghiệp từ 35 ngày theo luật Đầu tư xuống còn 20 ngày, đầu tư trong khu công nghiệp chỉ còn 9 ngày.
Bình luận (0)