Loại cây được tỉnh Phú Yên trồng rừng để chống biến đổi khí hậu chủ yếu là phi lao (còn gọi là cây dương), là loại cây chịu được khô hạn, cát bay...
Tuy nhiên, hơn 40 ha rừng ở tiểu khu 228 do Công ty TNHH Nông Lâm Kim Sơn nhận bảo vệ và quản lý đã chết khô tới 70% diện tích.
Ông Võ Văn Diện, cán bộ kỹ thuật của công ty, cho biết: “Hầu hết diện tích rừng phòng hộ này không có khả năng phục hồi. Nguyên nhân chính một phần là do nắng hạn, phần khác do các hồ nuôi tôm bơm nước ngọt ra để trung hòa độ mặn cho hồ nuôi nên mạch nước ngầm xuống thấp dẫn đến cây chết nhanh và nhiều. Hiện tại công ty và ban quản lý dự án chỉ biết tập trung bảo vệ, không cho người dân đến các khu vực trồng này vì sợ dễ gây cháy rừng. Giờ chỉ mong sao trời mưa sớm thì may ra vớt vát được một số diện tích”.
Theo thống kê của Ban Điều hành dự án trồng rừng ven biển Phú Yên, trong hơn 460 ha rừng phòng hộ trồng mới và trồng bổ sung giai đoạn 2015 - 2019, đã có 189 ha chết trắng do nắng hạn. Phần diện tích rừng còn lại trong dự án cũng đang có hiện tượng khô héo, mất sức sống.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng ban Điều hành dự án trồng rừng ven biển Phú Yên, cho biết khả năng rừng có phục hồi lại hay không phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Bên cạnh đó, điều lo ngại nhất là việc cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bình luận (0)