Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu không xảy ra sự kiện hy hữu vào thời điểm “cái ăn, cái mặc” trở thành bài toán chung của cả vùng quê nghèo. Ấy là việc cô giáo Viện nhận cưu mang một người khuyết tật xa lạ và đến nay đã gần 22 năm. Câu chuyện khiến không chỉ người dân làng Cát, TT.Cửa Tùng, H.Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, mà có lẽ bất kỳ ai biết đến cũng lấy làm lạ lùng lẫn cảm phục.
Xót thương “người phụ nữ trong hình hài đứa trẻ”
“Đó là vào một buổi chiều năm 1999, một người phụ nữ đến gõ cửa nhà cô nhờ đèo lên bến đò bên sông Bến Hải. Trước đó cô đã nghe dân làng truyền tai nhau mấy ngày nay thường thấy một người “không bình thường” đi khắp nơi xin ăn, ở nhưng nhà nào cũng lắc đầu. Nhìn người phụ nữ trạc tuổi mình mà nhỏ bé, lưng gù, chỉ cao tầm 1 m, nặng 25 - 27 kg, hình như mắc bệnh về thần kinh, ánh mắt vô hồn, bỗng nhiên cô thấy thương. Cô hỏi “Thế gần tối rồi lên đó làm gì?”. “Qua làng bên sông, xin... ở. Ai cho thì ở giúp việc”, người kia ú ớ đáp. “Sức khỏe yếu thế thì làm được gì mà nhà nào họ nhận?”, cô hỏi lại thì người đó không nói gì, lặng lẽ cúi đầu. Chẳng kịp nghĩ nhiều, cô vào nhà bảo với chồng hay cho họ ở tạm nhà thì chồng cô đồng ý ngay. Hai vợ chồng đón người nhận tên Mai Thị Xinh ấy vào nhà, gọi là o Xinh”. Cô Ngô Thị Viện kể về mối nhân duyên với o Xinh.
Những ngày sau đó, không chỉ chăm lo bữa cơm, chỗ ngủ, cô Viện còn kiên trì gần gũi, gợi nhớ ký ức hy vọng tìm lại người thân cho o Xinh. Với những sự kiện chắp vá từ o Xinh lúc nhớ, lúc quên đồng thời hỏi từ người trong làng, cô Viện được biết o Xinh vốn người thôn Hắc Hiền, xã Vĩnh Thạch (nay là xã Kim Thạch, H.Vĩnh Linh), không rõ bố, sống với mẹ đến khoảng năm 30 tuổi thì mẹ mắc bệnh ung thư qua đời. O Xinh đến ở nhà người cậu 3 năm thì cậu già yếu mất. O Xinh được một bà giới thiệu làm giúp việc ở H.Gio Linh suốt 10 năm. Không may một lần gặp tai nạn nặng, o Xinh bị mất sức lao động, thần kinh bất ổn nên nhà chủ không nhận nữa. Từ đó, o lang thang, có thời điểm ở TT.Hồ Xá. Sau đó chẳng biết sao lại đến TT.Cửa Tùng này. Từ những thông tin có được, cô Viện đi hết các nơi liên quan tìm kiếm gốc gác o Xinh. Tại xã Vĩnh Thạch trước đây có người tên Mai Thị Xinh trùng hợp với đặc điểm nhận dạng nhưng không có bất kỳ loại giấy tờ nào. Đất đai chỗ o Xinh nhớ từng ở cùng với mẹ thì cũng đã có hộ khác sinh sống...
Càng tìm hiểu, cô Viện càng xót xa o Xinh bất hạnh, trăn trở không biết làm sao. “Nhìn lại gia cảnh mình, chồng mất việc. Đồng lương giáo viên cấp 2 thời ấy phải tằn tiện lắm mới tạm lo cho cả nhà 5 người, 3 đứa con đang học. Ở vào tình cảnh “ăn bữa hôm, lo bữa mai”, nuôi thêm một con người đâu phải giản đơn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, o Xinh khuyết tật, ngây dại, nếu không để o ở lại thì còn chỗ nào mà đi, rồi sẽ ra sao? Cô lại chẳng đành lòng...”, cô Viện bộc bạch. “Bỏ thì thương, mà vương thì quá nặng”, cô Viện tâm sự cùng chồng. Hai tấm lòng nhân hậu đồng cảm. Vợ chồng cô Viện bỏ ngoài tai những lời khuyên can “đừng rước nợ vào thân” quyết định vun vén giữ o Xinh lại nuôi dưỡng.
Tình thâm giữa những “người dưng”
Sống cùng người xa lạ đã khó, nhận nuôi người trí não có vấn đề còn khổ hơn gấp bội. Cô Viện nhớ lại: “Biết o Xinh ốm yếu, cả nhà đều bảo bọc, không để o phải làm việc gì cả. Thế nhưng, có lẽ do nỗi đau tinh thần cộng với di chứng từ vụ tai nạn khiến tính khí o Xinh rất thất thường, sẵn sàng lớn tiếng nếu tưởng tượng ra điều gì đó không vừa ý”. Những lúc như thế, với trái tim đôn hậu của người chị cùng sự khéo léo của một nhà giáo, cô Viện vẫn nhẹ nhàng, điềm đạm với o Xinh. Chính những yêu thương, cảm thông dần cảm phục, làm o Xinh thêm yêu quý những người đã dang rộng vòng tay với mình, theo đó mà chuyển dần tâm tính, vui vẻ nhiều hơn, thậm chí còn hăng hái phụ giúp việc nhà.
Muốn o Xinh hòa nhập cùng cộng đồng, ngoài giờ ở trường, đi đâu làm gì cô Viện cũng đèo o Xinh theo, làm đủ các loại giấy tờ tùy thân, nhập khẩu vào hộ mình để o Xinh tham gia các đoàn thể, từ hội phụ nữ đến người cao tuổi. Sau khi thống nhất lấy năm sinh của mình để làm các loại giấy tờ thiết yếu cho o Xinh, cả 2 cùng năm sinh 1955. Ấy thế mà o Xinh vẫn tự gọi cô Viện hai tiếng “chị Viện” thân thương. Hình ảnh cô Viện - o Xinh trở nên quá đỗi quen thuộc, ai xa quê lâu hoặc từ nơi khác đến nếu không biết câu chuyện đặc biệt của làng Cát đều nghĩ 2 người là chị em ruột. “Năm 2013, gia đình làm thủ tục tách hộ để o Xinh được hưởng chế độ hộ nghèo và khuyết tật hạng nặng. Mỗi tháng có thêm khoản bảo trợ, cô dùng để đóng các loại phí sinh hoạt nhóm hội, phụ thêm mua thuốc bổ, quần áo mới…
O Xinh vui lắm!”, cô Viện cười hiền chia sẻ.
Dưới mái nhà cấp 4 đơn sơ có đến 3 hộ với 8 nhân khẩu, mối quan hệ giữa những “người dưng” ngày càng khăng khít như ruột thịt. Hiện nay, cả cô Viện, o Xinh đều đã bước sang tuổi 66 và có đến 2/3 cuộc đời bên nhau. Và cũng ngần ấy thời gian, dù nhiều khi chẳng làm chủ được suy nghĩ, hành động, song o Xinh chưa từng rời khỏi ngôi nhà của “chị Viện”, có lẽ trong tiềm thức của người phụ nữ nửa tỉnh, nửa mê ấy luôn tâm niệm một điều: “Đây là nhà, đây là gia đình”!
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng
Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021)
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng
2 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: [email protected], Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
|
|
Bình luận (0)