Hơn 20 tác phẩm mang phong cách hội họa độc đáo trong triển lãm 'Mớ'

16/07/2023 09:37 GMT+7

Triển lãm Mớ diễn ra từ ngày 15.7 - 14.8, tại Trung tâm bảo trợ và phát triển nghệ thuật APD (Hà Nội). Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của Phạm Trần Việt Nam, trưng bày hơn 20 tác phẩm mang phong cách hội họa độc đáo, ấn tượng.

Những sáng tác của Phạm Trần Việt Nam trong triển lãm Mớ trao gửi thông điệp nhân văn từ lòng trắc ẩn và rung cảm của anh trước bối cảnh xã hội của đất nước, về những điều trần ai trước mắt.

20 tác phẩm mang phong cách thực hành hội họa độc đáo của Phạm Trần Việt Nam - Ảnh 1.

Những bức tranh dài hàng chục mét của nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam trong triển lãm Mớ khai mạc ngày 15.7 tại Hà Nội

KIM CHUNG

Vẽ là một phương thức chiến đấu

Phạm Trần Việt Nam nằm trong số ít nghệ sĩ ở Việt Nam dấn thân và tiếp cận hội họa bằng tinh thần bột phát nguyên thủy. Thực hành của anh thách thức cách hiểu thông thường cũng như phương pháp thực hành và tư duy truyền thống về nghệ thuật hội họa.

20 tác phẩm mang phong cách thực hành hội họa độc đáo của Phạm Trần Việt Nam - Ảnh 2.

Theo Phạm Trần Việt Nam, hành vi hội họa của anh còn như một phương pháp trị liệu, một ngôn ngữ thay thế để diễn dịch thay cho sự hữu hạn, bất khả của các ngôn ngữ khác

KIM CHUNG

Bằng những thử nghiệm phá cách về quy mô, chất liệu và thủ pháp sáng tác, buông bỏ các tiêu chuẩn hàn lâm và giới hạn sinh học, anh mượn nghệ thuật thị giác làm phương tiện trung gian để tìm kiếm những mảng tối của nội tâm và những thể vô hình của ngoại giới.

Ở Phạm Trần Việt Nam, vai trò của hình thức đã trở thành thứ yếu, không có phương pháp hay định hướng hình thức nào trong quá trình sáng tạo. Hình thức cứ "tuột" ra từ "vô thức", trực tiếp từ năng lượng của cảm xúc và hơn thế năng lượng phần nào còn được truyền từ một "sự tồn tại khác".

Chịu ảnh hưởng từ nhạc rock, trường phái biểu hiện và siêu thực, tạo hình của anh thời kỳ đầu thường gào thét hoặc quằn quại như trong hỏa ngục, chú tâm bóc tách từng góc tối tăm, phẫn nộ và thô bạo của con người.

Từ năm 2014, sau khi vượt qua giai đoạn trầm cảm khó khăn, anh bắt đầu phá bỏ những gì mình đã tôn thờ, thể nghiệm việc cắt nát và tái cấu trúc hầu hết tranh cũ. Những sáng tác của Nam trao gửi thông điệp nhân văn từ lòng trắc ẩn và rung cảm của anh trước bối cảnh xã hội của đất nước mà anh đang sống, những điều trần ai trước mắt. Thực hành nghệ thuật đối với anh không chỉ là một công việc, đó còn là hành vi không thể cưỡng lại của trầm cảm, có lúc dữ dội nhưng cũng có lúc kiên trì và nhẫn nại như thiền định.

Nếu soi kỹ vào tranh của Phạm Trần Việt Nam, sẽ thấy những gương mặt bị cắt nát, chằng chịt, bấu víu vào nhau. Đó cũng là những linh hồn vật chất biến dạng, không còn thấy hình cũng chẳng nhận ra bóng. Vẽ mà không phải đang vẽ là tình trạng kéo dài đã mười mấy năm của Nam. Nó như nỗi sợ nếu dừng vẽ sẽ bị hư không bắt đi mất.

"Vẽ với tôi là cách bày tỏ tâm trạng, vì cuộc sống giữa bản thân với gia đình và xã hội có rất nhiều áp lực. Những áp lực đó tự nhiên chuyển hóa thành năng lượng phun lên mặt toan bằng hành vi tô, bôi, trát lớp này đến lớp khác. Vẽ cũng là phương thức giúp tôi điều trị tâm lý và chữa lành", Phạm Trần Việt Nam chia sẻ.

Lạc vào những cơn "mớ"

Bước vào triển lãm tranh Mớ, người xem bắt gặp những bức tranh khổ lớn, bức lớn nhất bề ngang 3,2 m, dài 20 m. Các tác phẩm được sáng tác trải từ năm 2012 đến năm 2023, đa phần là tranh mới sáng tác trong thời gian sau đại dịch Covid-19. Một số tác phẩm được thực hiện trong hơn 10 năm, là kết quả của một quá trình liên tục tái sáng tạo, tái cấu trúc để tạo nên những bản dạng hồi sinh mới.

Toàn bộ các tác phẩm đều không căng lên khung gỗ, ngoài các tranh đính lên tường thì số tranh quá khổ được giăng, trải, tràn kín không gian; như một sắp đặt chỉ chực trào khỏi khuôn khổ, làm không gian bị bủa vây bởi những cơn "mớ" đầy ám ảnh "sống - chết" trong thế giới tâm tưởng của nghệ sĩ.

Để nói về thủ pháp, họa sĩ sử dụng bàn tay và ngón tay để có cảm nhận tinh tế hơn về độ dày mỏng của sơn. Sự trơn trượt đem đến tự do, trôi chảy của đường nét. Ngón tay khi chạm trực tiếp vào sơn, trực tiếp lên hình vẽ, sẽ cảm nhận được độ nóng khi chà xát; sự ăn mòn cũng tạo cảm giác gần hơn với những gì biểu hiện trên mặt toan, giúp tưởng tượng và phát triển hình tốt hơn.

Màu sáng là màu từ màu nền của canvas, và sự chuyển dịch sáng tối do sự nhạy cảm của da tay quyết định độ dày mỏng của lớp sơn phủ lên. Vì vậy, Nam không bao giờ dùng đến tuýp màu trắng, và lẳng lặng không dùng cả đến tuýp màu đen. Đây là một hiện tượng ngược chiều với các họa sĩ nói chung.

Cá biệt, có những bức tranh bị đảo ngược quy trình, Nam dùng dao tìm hình và khoét nhiều khoảng thủng trên canvas, rồi sau đó mới bôi màu lên sau.

Theo giám tuyển Trần Lương, dễ dàng nhận thấy, hầu hết tấm nền để vẽ đều là các bề mặt có 4 cạnh và 4 góc. Nếu nói tranh không có bố cục thì có vẻ phi lý, nhưng đó lại là trường hợp tranh của Phạm Trần Việt Nam. Cái cách bắt đầu vẽ từ một góc của tấm canvas và chi tiết cứ tràn ra như rêu mọc. Nét hay chi tiết trước sẽ dẫn dắt nét và chi tiết sau. Việc cắt thủng lỗ chỗ tấm nền ngoài ý nghĩa là một cách "vẽ", thì cũng là khuôn khổ phá đi hành vi của canvas.

20 tác phẩm mang phong cách thực hành hội họa độc đáo của Phạm Trần Việt Nam - Ảnh 3.

Giám tuyển Trần Lương chia sẻ trong triển lãm Mớ của Phạm Trần Việt Nam

KIM CHUNG

"Phạm Trần Việt Nam vẽ bộ tranh này như một kẻ mông du và ở trạng thái đó, cảm xúc và năng lượng tuôn ra một cách tự nhiên. Việc cắt thủng phản ánh sự mất mát. Đôi khi cắt quá tay làm đứt liên kết giữa các mảng toan nên sau đó lại thêu, hay nói cách khác là vá lại như một hành động hàn gắn", giám tuyển Trần Lương chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.