Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc bộ, kết hợp với hội tụ gió lên trên mực 3.000 m hoạt động mạnh dần nên trong sáng nay 5.6, mưa lớn đã xuất hiện ở nhiều nơi tại miền Bắc.
Theo thống kê, từ 19 giờ ngày 4.6 đến 8 giờ ngày 5.6, có nơi mưa trên 150 mm như: Bản Quan (Lào Cai) 271,6 mm, Bản Giang (Lai Châu) 213,6 mm, Xuân Minh (Hà Giang) 178,6 mm, Lòng Dinh (Quảng Ninh) 156,4 mm, Gia Phú (Lào Cai) 154,8 mm...
Hà Nội cũng đón mưa rất lớn từ 5 giờ sáng nay 5.6 khiến nhiều nơi ngập như Q.Hoàng Mai mưa 110 mm, Nam Từ Liêm 100,3 mm, Cầu Giấy 70,3 mm, Thanh Xuân 67,3 mm...
Cùng với mưa lớn, giông sét bao phủ miền Bắc. Trong đó, thời gian xuất hiện nhiều nhất từ khoảng 5 - 9 giờ 20 sáng cùng ngày.
Xem nhanh 12h ngày 5.6: Bất an vì sấm sét ở Hà Nội
Một lãnh đạo Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng Cục khí tượng thủy văn) cho biết, trong sáng nay, khu vực Hà Nội sấm sét xuất hiện ở nhiều quận, huyện. Trong đó, khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm sét dày đặc.
Vị lãnh đạo cho hay, tại khu vực Hà Nội, từ 6 - 7 giờ, cơ quan quan trắc ghi nhận có 3.513 cú sét (trong đó sét đánh xuống đất là 2.322 lần). Từ 7 - 8 giờ, có 4.060 cú sét (sét đánh xuống đất là 2.855 lần). Từ 8 - 9 giờ, có 2.642 cú sét (sét đánh xuống đất là 1.848 lần).
Theo đó, có tổng cộng khoảng 7.025 lượt sấm sét đánh xuống đất ở khu vực Hà Nội. Cường độ sét từ 7 giờ 40 - 8 giờ 50 là mạnh nhất.
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), giông là một hiện tượng khí tượng, bao gồm sự phóng điện trong cùng một đám mây, giữa các đám mây hoặc giữa các đám mây với mặt đất... tạo ra hiện tượng chớp và sấm.
Trường hợp sự phóng điện xảy ra giữa các đám mây và mặt đất gọi là sét. Sét có thể phát ra tia lửa điện và dòng điện đủ mạnh gây chết người hoặc cháy nhà cửa. Sét có thể đánh ở hầu hết mọi nơi, ngay cả trước, trong và sau khi mưa và nhắm vào bất cứ đối tượng nào khi có đủ yếu tố hình thành sét.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết trong 1 năm, Việt Nam có thể có 2 triệu cú sét đánh xuống đất, một số địa phương sét thường xuất hiện nhiều như Đông Anh (Hà Nội), Cổ Dũng (Hải Dương), Thăng Bình (Quảng Nam), đồng bằng sông Cửu Long...
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, để hình thành được giông, sét phải có yếu tố độ ẩm, nhiệt độ và cơ chế nâng (khi đám mây hình thành phát triển thành mây đối lưu; mây đối lưu đó có khả năng sinh ra sét).
Vị chuyên gia cho hay, khi thấy dấu hiệu có giông sét, người dân nên nhanh chóng về nhà. Khu vực an toàn để tránh sét là tòa nhà hoặc công sở có lắp đặt hệ thống chống sét.
"Trong trường hợp người dân đang ở ngoài trời gặp sét mà không thể về được nơi an toàn thì hãy thực hiện theo quy tắc tránh đứng cạnh cây cao, tránh đứng nhóm người gần nhau, tránh bản thân là người cao nhất ở khu vực xung quanh và không được xuống nước", ông Xuân Anh lưu ý.
Bình luận (0)