Đây là thông tin được Bộ LĐ-TB-XH cho biết ngày 15.10, tại Hội thảo góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 09/2013, ngày 11.1.2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Phòng chống mua bán người do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, mua bán người là một trong những tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp khác nhau nhưng tình trạng mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2016 đến tháng 6.2019, toàn quốc phát hiện gần 1.000 vụ mua bán người, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ nạn nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có quy định cụ thể chính sách, dịch vụ hỗ trợ, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ ở từng giai đoạn, dẫn đến việc thực hiện chồng chéo hoặc không thực hiện được. Các nạn nhân chủ yếu được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường, trong khi nhiều nạn nhân đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, mắc bệnh lây nhiễm cần chữa trị ngay... Việc hỗ trợ học nghề cho nạn nhân cũng chưa hiệu quả…
Theo bà Dương, nghị định sửa đổi lần này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 09, hướng dẫn luật Phòng chống mua bán người; đồng thời hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách để hỗ trợ toàn diện và hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán, nhằm đảm bảo tốt hơn để nạn nhân bị mua bán được nhận sự hỗ trợ cần thiết và có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Bình luận (0)