Công an TP.Bắc Giang (Bắc Giang) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 người về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Các bị can là người ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Trong đó, công an xác định Đỗ Thành Tôn (24 tuổi, trú TP.Tam Điệp, Ninh Bình), Vũ Văn Phong (20 tuổi, trú H.Thanh Miện, Hải Dương), Đào Văn Thái (31 tuổi, trú H.Đoan Hùng, Phú Thọ) và Nguyễn Ngọc Linh (32 tuổi, trú H.Nho Quan, Ninh Bình) là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Bước đầu, Công an TP.Bắc Giang xác định đường dây "tín dụng đen" này cho vay lãi nặng trên không gian mạng, có tổ chức, quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Trong đó, các đối tượng cầm đầu cung cấp tiền, hệ thống, thiết bị để cả nhóm hoạt động. Đối tượng quản lý nhóm được trả lương 12 triệu đồng/tháng để quản lý nhân viên, thẩm định khách hàng và giải ngân khoản vay. Các đối tượng hỗ trợ kỹ thuật được trả lương 8 triệu đồng/tháng để liên lạc với các đối tượng cộng tác viên, thẩm định khách hàng, hướng dẫn cài đặt máy, quản lý việc nhắc nợ, đòi nợ, thu nợ.
Các đối tượng cộng tác viên thực hiện việc đăng bài quảng cáo cho vay trên các nền tảng mạng xã hội, tìm kiếm khách hàng, thu thập thông tin khách hàng và được hưởng lợi nhuận từ 25 - 30% khoản vay thành công.
Khách hàng có thể vay từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào đời của điện thoại iPhone, tức đời điện thoại iPhone càng cao, càng "xịn" thì được vay càng nhiều và chỉ cần ngồi nhà cũng có thể vay.
Tuy nhiên, để được vay tiền, khách hàng phải cung cấp hình ảnh thẻ căn cước công dân, ảnh chân dung, số điện thoại, danh bạ, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, địa chỉ làm việc, nơi ở hiện tại… và yêu cầu thoát khỏi tài khoản iCloud của mình và đăng nhập tài khoản iCloud mà các đối tượng chỉ định vào iPhone của mình.
Nếu hồ sơ "sạch" và đăng nhập iCloud xong, các đối tượng quản lý sẽ giải ngân khoản vay vào tài khoản ngân hàng của khách hàng sau khi đã cắt lãi trước từ 3 - 10 ngày và phí hồ sơ bằng 5% khoản vay.
Hàng ngày, người vay phải trả tiền gốc và lãi bằng cách chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng cho các đối tượng chỉ định. Nếu người vay không trả tiền đúng theo định mức và thời gian quy định, đối tượng sẽ khóa máy điện thoại iPhone của người vay bằng tính năng khóa điện thoại từ xa của tài khoản iCloud, không cho người vay sử dụng điện thoại, buộc người vay phải trả tiền để mở điện thoại.
Khi người vay tất toán khoản vay, đối tượng sẽ thoát tài khoản iCloud đã đăng nhập, khi đó, người vay sẽ sử dụng điện thoại của mình bình thường.
Theo Công an tỉnh Bắc Giang, tính đến khi bị bắt, nhóm này đã cho hơn 30.000 lượt người trong cả nước vay với tổng số tiền giải ngân khoảng 70 tỉ đồng. Đáng chú ý người vay tiền của nhóm đối tượng này phải chịu lãi suất cực cao, từ 319 - 629%/năm, cao gấp 15,9 - 31,4 lần mức lãi cao nhất được phép trong giao dịch dân sự.
Thiếu tá Chu Văn Hiệu, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết việc người dân vay tiền qua tài khoản iCloud tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người vay có nguy cơ cao bị thu thập dữ liệu, thông tin cá nhân. Việc thế chấp vay qua tài khoản iCloud cũng đồng nghĩa với việc người vay đã trao quyền truy cập vào điện thoại IPhone của mình như hình ảnh, video, danh bạ... Khi người vay không trả tiền thì sẽ bị đối tượng nhắc nợ, đòi nợ; gọi điện, nhắn tin nhiều lần làm phiền người thân và đối tượng sẽ khóa máy điện thoại iPhone…".
Thiếu tá Hiệu khuyến cáo người dân cần thận trọng, nói không với vay tiền qua mạng nói chung và qua iCloud nói riêng. Đồng thời không nên chia sẻ hoặc cung cấp tài khoản iCloud cho người lạ và không đăng nhập tài khoản iCloud của người khác vào điện thoại iPhone của mình để tránh những rủi ro, hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Bình luận (0)