Hơn 300.000 thí sinh không xét tuyển đại học, vì sao?

25/08/2022 06:00 GMT+7

Chỉ có hơn 65% thí sinh xác nhận đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh trong số hơn 941.000 thí sinh có dự kiến tham gia xét tuyển ĐH năm nay. Vậy hơn 300.000 thí sinh không xét tuyển ĐH sẽ đi đâu?

Trường phổ thông cũng bất ngờ

Khoảng 1/3 số lượng thí sinh (TS) “đổi ý” không đăng ký xét tuyển năm nay là một bất ngờ không chỉ của trường ĐH mà ngay với các trường phổ thông. Trước số liệu tổng kết của Bộ GD-ĐT về số nguyện vọng đăng ký trên hệ thống tuyển sinh, có những trường phổ thông đã thực hiện khảo sát toàn bộ học sinh (HS) trường mình.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), cho biết sau khi Bộ công bố số liệu thống kê, trường đã thực hiện cuộc khảo sát với hơn 560 HS vừa hoàn thành lớp 12 năm nay. Kết quả, gần 40 HS cho biết không thực hiện việc đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh. “Dù con số này chiếm chưa tới 10% tổng HS nhưng tỷ lệ này cao nhất từ trước tới nay”, thạc sĩ Hải nói.

Từ kết quả khảo sát, Trường THPT Trương Định đã liên lạc trực tiếp với từng HS để tìm hiểu lý do vì sao không đăng ký nguyện vọng. Theo đó, ngoài 4 trường hợp đã tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự thì một số ít HS đã quyết định theo học tại các trường CĐ, TC nghề. Nhiều nhất trong số này rơi vào nhóm không có khả năng đi học ĐH, chuyển qua giai đoạn đi làm kiếm sống.

Tranh cãi lý do 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng: Bộ GD-ĐT giải thích gì?

“Từ thực trạng khảo sát trên, có thể thấy một trong những nguyên nhân lớn nhất là xu hướng học phí tăng cao ở bậc ĐH. HS thuộc gia đình khó khăn có những so sánh, cân nhắc giữa việc đầu tư số tiền lớn vào ĐH với việc đi làm kiếm tiền ngay. Đặc biệt là ở thời điểm sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn”, ông Hải nhìn nhận.

Dù tỷ lệ HS đăng ký xét tuyển ĐH ở mức cao nhưng Trường THPT Tây Ninh (Tây Ninh) cũng có những thông tin đáng chú ý. Với HS đã đăng ký năm nay, ông Nguyễn Thành Bửu, Hiệu trưởng trường này, nói: “Hầu hết các em đã đăng ký và trúng tuyển ĐH bằng các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực…”.

Có nguyên nhân từ thay đổi cách thức đăng ký

Chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH có những phân tích khác nhau về việc này. Đáng chú ý, một số ý kiến cho rằng có nguyên nhân từ sự thay đổi cách thức đăng ký dự thi và xét tuyển năm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng tiến độ đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm nay thực hiện sau khi TS biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và muộn hơn so với mọi năm. Do đó, một bộ phận HS đã có những quyết định hướng đi khác trước đó như học nghề. Sau 2 năm dịch được kiểm soát ổn định, xu hướng HS đi du học cũng tăng. Trong khi đó các trường ĐH nước ngoài cũng nhập học từ cuối tháng 8, các TS chọn đi du học cũng không mặn mà với việc xét tuyển ĐH trong nước.

Hà Nội có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nhiều nhất

Hôm qua (24.8), Bộ GD-ĐT đã công bố báo cáo phân tích dữ liệu của 315.993 TS không nhập nguyện vọng lên hệ thống, dù ban đầu những TS này có dự kiến đăng ký xét tuyển vào ĐH.

Thống kê điểm theo các tổ hợp xét tuyển chính của các TS không đăng ký xét tuyển cho thấy đại đa số TS có điểm thi ở 5 khối thi truyền thống (D1, C0, B0, A0, A1) thấp. Điểm của các TS không đăng ký xét tuyển hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT: D1 là 88,5%; C0 là 77,6%; B0, A1, A0 đều trong khoảng trên dưới 98%.

Đặc biệt, đại đa số TS không đăng ký xét tuyển ở 4 tổ hợp D1, B0, A1, A0 có tổng điểm thi 3 môn chỉ đạt từ 15 điểm trở xuống: D1 là 50,9%; B0 là 90,9%; A1 là 90,4%; A0 là 89,9%.

Tỷ lệ TS không đăng ký xét tuyển theo các miền trên cả nước khá cân bằng: miền Bắc 38%, miền Trung 32%, miền Nam 30%.

Nếu xét tỷ lệ TS không đăng ký xét tuyển theo các vùng trên cả nước thì có số liệu như sau: đồng bằng sông Hồng 22%, đồng bằng sông Cửu Long 19%, miền núi phía bắc 16%, Bắc Trung bộ 15%, Đông Nam bộ 11%, Nam Trung bộ 10%, Tây nguyên 7%.

Xét theo địa phương, những tỉnh, thành có số TS không đăng ký xét tuyển nhiều nhất: Hà Nội (22.187), Thanh Hóa (15.714), Nghệ An (14.145), TP.HCM (13.747). Các tỉnh sau cũng là những địa phương có nhiều TS không đăng ký xét tuyển, gồm: Đắk Lắk, Đồng Nai, Bắc Giang, An Giang, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Đồng Tháp, Bình Định, Long An, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang.

Xét tỷ lệ TS không đăng ký xét tuyển theo các khu vực (KV) ưu tiên: KV1 35%, KV2NT 33%, KV2 22% và KV3 10%.

Quý Hiên

Nhưng ông Nhân cũng cho rằng có thể nguyên nhân một phần đến từ cách thức đăng ký xét tuyển mới năm nay. Ông Nhân nói: “Trước đây việc đăng ký xét tuyển thực hiện đồng thời với đăng ký dự thi khi HS còn ở trường phổ thông, có sự hướng dẫn chặt chẽ của thầy cô giáo. Năm nay, việc đăng ký xét tuyển thực hiện trong giai đoạn sự hướng dẫn của giáo viên với HS bị đứt quãng, có thể có những TS không có đầy đủ thông tin dù đã trúng tuyển sớm trước đó”.

Lý giải cho nhận định trên, ông Nhân nêu ra những con số ví dụ từ thực tế việc tiếp nhận băn khoăn của TS. Từ thực tế rà soát số liệu, trường ĐH này phát hiện có hơn 2.000 TS trúng tuyển sớm nhưng khi đăng ký nguyện vọng lại nhầm lẫn phương thức xét tuyển. Đáng chú ý, hơn 1.000 trường hợp đã trúng tuyển sớm vào trường nhưng không thực hiện thao tác nào trên hệ thống.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, sự rối rắm ở đây xuất phát từ việc quy chế tuyển sinh và hướng dẫn thực hiện quy chế được ban hành quá muộn sau khi hầu hết các trường đã triển khai nhận hồ sơ các phương thức xét tuyển sớm. Trên thực tế, TS năm nay phải thực hiện 3 lần đăng ký bắt buộc: lần đầu khi đăng ký dự thi; lần hai phải đăng ký xét tuyển tại trường ĐH; lần ba tất cả TS đã trúng tuyển tại trường bằng bất kỳ phương thức nào cũng phải đăng ký lại trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT.

Ý KIẾN

Thay đổi cách thức xét tuyển và tăng học phí

Xuất phát từ việc Bộ GD-ĐT thay đổi cách thức đăng ký xét tuyển ĐH, TS thi tốt nghiệp, cầm kết quả trên tay và căn cứ vào điểm sàn của các trường ĐH để lựa chọn do đó một bộ phận TS điểm thi không cao và nhận thấy không khả thi nên quyết định không đăng ký xét tuyển ĐH mà chọn học CĐ hoặc học nghề… Ngoài ra, có một lượng TS có điều kiện về kinh tế nên không học ĐH trong nước mà du học.

Bên cạnh đó, còn có thể nguyên nhân ảnh hưởng từ dịch bệnh, một bộ phận người dân bị ảnh hưởng về thu nhập, trong khi đó các trường ĐH tự chủ về tài chính, học phí tăng khiến phụ huynh nhận thấy không có khả năng về tài chính nên con em không thể tiếp tục học ở bậc ĐH sau khi tốt nghiệp THPT.

PHẠM PHƯƠNG BÌNH Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM

Tùy vùng miền có các lý do khác nhau

Nếu TS học tốt, ở các TP lớn, có điều kiện về kinh tế mà không tham gia xét tuyển thì có thể đa phần các em du học hoặc theo học ở các trường ĐH quốc tế. Còn nếu TS ở vùng sâu, vùng xa, những địa phương có khó khăn về kinh tế thì có thể không đủ điều kiện để học ĐH. Gia đình những TS này không thể lo khoản tiền học phí, chi phí ăn uống, sinh hoạt của bậc ĐH nên các em không thể theo con đường học ĐH và chọn học nghề hay học CĐ…

HUỲNH THANH PHÚ Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM

Bích Thanh (ghi)

Nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng hậu quả của việc đăng ký rối rắm là Bộ phải thay đổi quy định của chính mình, tiếp tục mở cổng cho các TS tự do đăng ký dự thi từ 12 - 18.7. Bộ lại phải tiếp tục điều chỉnh lịch đăng ký xét tuyển trên hệ thống, những TS chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển ĐH vì những lý do ngoài mong muốn sẽ được hỗ trợ từ 21 - 23.8. Và thông qua việc nộp lệ phí xét tuyển, Bộ gián tiếp yêu cầu TS đăng ký xét tuyển lần thứ tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.