Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại cho người đổ xăng: Phải xử lý người làm sai

25/03/2016 08:11 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 24.3 đăng bài Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại cho người đổ xăng .

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 24.3 đăng bài Hơn 3.500 tỉ đồng phải trả lại cho người đổ xăng.

Thiệt hại quá rõ ràng
Tôi đồng ý với ý kiến của TS Ngô Trí Long, tiền của dân bị móc túi thì phải trả lại cho dân, còn trả bằng cách nào thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải tính chứ không thể nói khó khả thi nên không trả. Mặt khác, cho dù tắc trách hay lợi ích nhóm cũng phải xử đến nơi đến chốn những tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật đã quy định về tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", cho nên với thiệt hại gây ra cho người dân đến hàng ngàn tỉ đồng đã quá rõ ràng như thế thì không thể không xử lý.
Miền Tây ([email protected])
Không thể rút kinh nghiệm là xong
Việc sai này theo tôi không phải do các bộ không biết, công việc quản lý của cơ quan chức năng, quy định do nhà nước ban hành, nhưng chính cơ quan nhà nước ấy lại không biết thì không thể chấp nhận được. Nếu sự việc không bị phanh phui thì sẽ như thế nào. Không thể không đặt nghi vấn là có lợi ích nhóm ở đây. Đây là chuyện lớn, một sai phạm lớn trong quản lý nhà nước nên cần phải được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm chứ không thể thu hồi tiền lại rồi rút kinh nghiệm là xong. Như vậy, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân.
Nguyễn Thành Thái ([email protected])
Của dân thì trả lại dân
Do cơ quan liên bộ làm sai nên việc trả lại tiền cho dân là đúng, cũng không thể có chuyện chuyển khoản tiền này vào ngân sách vì như thế thuế sẽ chồng thuế, là truy thu sai nguyên tắc, không đúng mục đích. Số tiền này là của dân thì phải trả lại cho dân mới công bằng. Theo tôi, việc trả số tiền này bằng cách chuyển khoản vào quỹ bình ổn của dân là hợp lý và phải thực hiện ngay.
Võ Tá Luân ([email protected])
Cần minh bạch
Phải nhanh chóng thu hồi và hoàn trả số tiền 3.500 tỉ đồng. Ngoài ra, việc đưa số tiền này vào quỹ bình ổn có lẽ là phương án hợp lý nhất nhưng cũng cần phải minh bạch để người dân có thể biết được số tiền này sẽ đi đâu. Theo tôi, hiện nay nhiều vùng thôn quê còn thiếu cầu, thiếu trường, thiếu tư liệu sản xuất... vậy hãy dùng số tiền này để làm những công trình phúc lợi ấy, xem như là dân góp làm từ thiện.
Hàn Minh ([email protected])

Đây là một lỗ hổng không phải do quy định pháp luật mà là do chủ quan của người thực thi pháp luật tắc trách gây ra, khiến người dân có cảm giác như bị nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên kết để móc túi. Dù sự việc đã được phát giác và các cơ quan chức năng đang tìm cách khắc phục nhưng vẫn không khỏi gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Để tránh tình trạng tái diễn, thiết nghĩ từ bây giờ phải có quy định buộc công khai tất cả các khoản thuế, phí, chi phí... được tính vào giá xăng dầu và liên tục cập nhật để người dân giám sát.
Nguyễn Văn Cường (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Quy định pháp luật là cần phải thống nhất từ trên xuống, người đứng đầu các bộ, ngành phải có trách nhiệm nắm rõ và điều chỉnh kịp thời các quy định trong ngành của mình. Không thể cứ để đến khi xảy ra hậu quả rồi mới khắc phục như vậy mãi được. Như vậy, mọi thiệt hại người dân đều gánh chịu. Sai phạm thì phải khắc phục nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Nguyễn Thị Ngân Hà (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
T.T - Hải Nam (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.