Cáo trạng vụ án Vạn Thịnh Phát:

Hơn 35.000 nhà đầu tư 'sập bẫy' lừa đảo của bà Trương Mỹ Lan

15/07/2024 15:46 GMT+7

Viện KSND tối cao cáo buộc Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư, thông qua chiêu trò gian dối trong phát hành trái phiếu.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Viện KSND tối cao mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 33 bị can liên quan đến giai đoạn 2 vụ "đại án" xảy ra tại tập đoàn này.

Trong số trên, có đến 29 bị can bị truy tố về tội lừa đảo, theo quy định tại khoản 4 điều 174 bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất đến chung thân.

Hơn 35.000 nhà đầu tư 'sập bẫy' lừa đảo của bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

T.N

25 mã trái phiếu khống

Viện KSND tối cao xác định, khoảng tháng 8.2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài.

Trước bối cảnh trên, Chủ tịch Trương Mỹ Lan đã ra chủ trương, họp với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và Công ty chứng khoán TVSI để phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp.

Từ năm 2018 - 2020, các bị can thống nhất sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, với mục đích tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ.

Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát

Các công ty này gồm: Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra. Tổng khối lượng phát hành là hơn 308 triệu trái phiếu, trị giá hơn 30.000 tỉ đồng.

Cáo trạng cho biết, sau khi tiếp nhận chỉ đạo từ bà Trương Mỹ Lan, 4 công ty được chọn lần lượt ban hành quyết định của đại hội đồng cổ đông phê duyệt phương án phát hành trái phiếu.

Để hợp thức mục đích sử dụng vốn huy động từ trái phiếu, đại diện các công ty nêu trên ký kết các hợp đồng cho vay, cam kết góp vốn, tạm ứng tiền, chuyển nhượng vốn khống…

Đặc biệt, sau khi đã phát hành trái phiếu, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Về mặt lý thuyết, 8 pháp nhân này sẽ đứng ra mua toàn bộ số lượng trái phiếu của 4 công ty phát hành, nhằm đảm bảo điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định.

Nhưng trên thực tế, dòng tiền hơn 30.000 tỉ đồng là ảo. Các bị can sử dụng nhóm công ty "ma" và cá nhân được thuê làm giám đốc hoặc tổng giám đốc đứng tên các khoản vay, ký khống chứng từ, hợp thức các giao dịch nộp, rút tiền mặt, chuyển tiền…

Hơn 35.000 bị hại

Vẫn theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, các gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty chứng khoán TVSI - đại diện tổ chức phát hành, trực tiếp ký kết hợp đồng bán trái phiếu. Riêng gói trái phiếu Sunny World được chuyển nhượng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) để đầu tư, bán ra thị trường.

Để phân phối trái phiếu, lãnh đạo SCB và TVSI phối hợp xây dựng chương trình, sau đó SCB tổ chức đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với TVSI và SHB.

Theo chỉ đạo của bị can Trương Mỹ Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các bị can chuyển tiền cho các cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB Chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành nhằm che giấu, cắt đứt dòng tiền.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các nhà đầu tư trái phiếu được sử dụng để Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trả nợ vay ngân hàng, trả gốc, lãi trái phiếu, chi dự án, chuyển tiền ra nước ngoài hoặc mục đích cá nhân khác của Trương Mỹ Lan.

Chuỗi hành vi nêu trên dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7.10.2022), tổng dư nợ của 4 công ty đối với hơn 35.000 bị hại là hơn 30.000 tỉ đồng.

Tiền lừa đảo được 'rửa' thế nào?

Vụ án này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Cơ quan tố tụng xác định bà Lan cùng đồng phạm đã rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng - lớn nhất từ trước đến nay. Số tiền này gồm hơn 415.000 tỉ đồng từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của SCB và hơn 30.000 tỉ đồng từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đã đề cập.

Để hợp thức hóa nguồn tiền bất chính khổng lồ này, bà Lan chỉ đạo cấp dưới lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB, chủ yếu diễn ra tại SCB Chi nhánh Sài Gòn.

Viện KSND tối cao xác định số tiền sau khi "rửa" được bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm sử dụng vào nhiều mục đích: rút tiền mặt chuyển cho các cá nhân, chi thực hiện các dự án, chi trả nợ, chi trả cho các khoản vay tại SCB, chuyển tiền ra nước ngoài…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.