Hơn 350.000 tỉ đồng đổ vào bất động sản

23/11/2015 11:30 GMT+7

Dòng tiền từ ngân hàng đổ vào thị trường bất động sản ngày càng tăng, đặc biệt vào những tháng cuối năm tốc độ giải ngân của các ngân hàng càng tăng.

Dòng tiền từ ngân hàng đổ vào thị trường bất động sản ngày càng tăng, đặc biệt vào những tháng cuối năm tốc độ giải ngân của các ngân hàng càng tăng.

Ngân hàng bắt tay với chủ đầu tư triển khai cho vay - Ảnh: Ngọc ThạchNgân hàng bắt tay với chủ đầu tư triển khai cho vay - Ảnh: Ngọc Thạch
Cạnh tranh ưu đãi
Không khí thị trường bất động sản (BĐS) càng về cuối năm càng trở nên sôi động hơn khi các hoạt động ký kết bảo lãnh cũng như cho vay giữa ngân hàng (NH) và chủ đầu tư dự án BĐS trở nên dồn dập. NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa ký kết với Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn (SAIGONRES) theo đó NH này sẽ tài trợ vốn cho SAIGONRES bằng hình thức cho vay, bảo lãnh hoặc hình thức cấp tín dụng khác để thực hiện đầu tư dự án BĐS do công ty này làm chủ đầu tư.
Cụ thể HDBank tài trợ độc quyền 1.090 tỉ đồng dự án căn hộ SAIGONRES PLAZA (do SAIGONRES Nam Đô là công ty con của SAIGONRES làm chủ đầu tư). Ngoài ra HDBank còn tài trợ 1.000 tỉ đồng cho Công ty BĐS G5, đầu tư trái phiếu 1.000 tỉ đồng cho Công ty DIC Corp... Trong vòng 1 tháng, NH TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã thực hiện tài trợ và cho vay bảo lãnh 3 dự án Western Dragon, Topaz City và Diamond Lotus.
Không chỉ NH trong nước, các NH nước ngoài cũng đã vào cuộc bảo lãnh dự án bất động sản. Mới đây, HSBC VN đã ký với CapitaLand VN ký kết hợp đồng tài trợ vốn và bảo lãnh ngân hàng cho dự án chung cư cao cấp Seasons Avenue tại Hà Nội.
Các NH cạnh tranh khá khốc liệt cho vay BĐS. Lãi suất ưu đãi áp dụng trong thời gian 6 tháng đã tăng lên 1 năm, trung bình từ 6,8 - 8%/năm; có NH đưa ra mức lãi suất cho vay đối với khách hàng còn 0%/năm hoặc 5%/năm. Thời gian cho vay của các NH cũng được NH tăng từ 10 lên 15 đến 20 năm. Chính vì vậy mà theo giám đốc bán lẻ của một NH cổ phần: “Lượng hồ sơ vay vốn của khách hàng cá nhân gần đây tăng lên rõ rệt. Tôi đã mất nhiều thời gian để ký hồ sơ giải ngân cho khách hàng vay hơn trước đây”. Ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc khối bán lẻ NH TMCP Ngoại thương, cho biết mặc dù chưa hết năm nhưng Vietcombank đã đạt được kế hoạch dư nợ cho vay BĐS đề ra từ đầu năm chiếm tương đương 30% tổng dư nợ tín dụng cá nhân. Chủ yếu là cho vay mua nhà để ở, sửa chữa nhà ở.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết tín dụng BĐS của các NH trên địa bàn hiện nay tăng khoảng 0,9% so với đầu năm (tương đương 20.000 tỉ đồng) và chiếm 12,7% tổng dư nợ tín dụng (tương đương 146.000 tỉ đồng).
Theo đánh giá của ông Minh, mức tăng này là bình thường. Thị trường BĐS phục hồi và có xu hướng tăng trưởng tốt hơn. Giao dịch mua bán nhà ở, căn hộ chung cư, đặc biệt ở phân khúc thị trường đối với người có thu nhập trung bình và thấp sôi động hơn. Do đó nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng gia tăng. Tính đến 30.9, dư nợ chương trình cho vay nhà ở đạt gấp 2,3 lần so với cuối năm 2014, có 5.582 khách hàng vay 2.514,02 tỉ đồng. Theo con số NHNN công bố vào đầu tháng 9, tín dụng BĐS tăng 13% so với đầu năm và chiếm 8% tổng dư nợ. Tổng dư nợ cuối tháng 8 là 4,376 triệu tỉ đồng nên tín dụng BĐS chiếm 8% tổng dư nợ, tương đương khoảng 350.000 tỉ đồng.
Tăng có kiểm soát
Chuyên gia NH Huỳnh Trung Minh nhận xét đẩy mạnh tín dụng BĐS là điều các NH đều muốn vào thời điểm hiện nay. Bởi thị trường BĐS hiện nay đang ấm lại, người dân có nhu cầu mua nhà đất tăng lên nên các NH cũng phải tranh thủ tung các sản phẩm dịch vụ để chiếm thị phần. Hơn nữa, đây là thời điểm mà các NH đang chạy đua để tăng tỷ lệ tín dụng lên để đầu năm sau khi NHNN phân bổ hạn mức, họ sẽ được cấp tỷ lệ cao hơn. Mặc dù tăng trưởng tín dụng BĐS ở mức độ nhanh nhưng ông Huỳnh Trung Minh nhận xét sẽ không xảy ra “bong bóng” như những năm trước đó bởi các NH vẫn rất cẩn trọng trong việc xét duyệt các khoản vay.
Ông Huỳnh Song Hào thì cho rằng: “Nợ xấu trong cho vay khách hàng cá nhân mua BĐS không cao hơn so với các mục đích vay khác và được kiểm soát ở mức thấp. Việc kiểm soát nợ xấu phụ thuộc vào tính tuân thủ trong việc thực hiện cấp tín dụng cũng như khẩu vị rủi ro tín dụng của từng NH. Trong thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục duy trì tỷ trọng cho vay BĐS chiếm 30% tổng dư nợ cho vay cá nhân”. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, các NH đã có những bài học từ những năm trước về việc cho vay BĐS nên dù có đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng BĐS nhưng các NH cũng rất cẩn trọng. Hiện nay trước khi cho khách hàng vay, NH dựa vào thẩm định tài sản thế chấp do một công ty thẩm định độc lập thực hiện. Đồng thời, NH không những thẩm định dự án BĐS mà còn thẩm định cả năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.