Sau khi đăng tải bài viết Hơn 360.000 thí sinh không xét tuyển ĐH, vì sao?, Báo Thanh Niên đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề này.
Gánh nặng tài chính học ĐH
Theo đó, một bạn đọc đã bày tỏ quan điểm: "Học phí ĐH không phải cao mà là quá cao. Những gia đình khá giả thì còn đỡ, nhà mà có 3 anh em đi học là cả một vấn đề".
Độc giả Lưu Phạm Thành cho rằng không ít sinh viên tốt nghiệp ĐH xong chạy xe ôm công nghệ hoặc chuyển việc làm khác, thậm chí phải đi làm công nhân. "Trong khi đó học phí ĐH quá cao, kinh tế khó khăn, đại đa số học sinh là con nhà nghèo tiền đâu mà học", bạn đọc này nói thêm.
Một bạn đọc khác chia sẻ: "Né ĐH là đúng. Các trường ĐH nên coi lại tất cả giáo trình đào tạo. Kiến thức hàn lâm, không áp dụng thực tế là mấy. Sinh viên ra trường lơ ngơ, cái gì cũng không biết, phải đào tạo lại tốn kém cho gia đình và xã hội".
Theo bạn đọc này, học nghề là thiết thực cho gia đình nghèo do học phí rẻ, dễ tìm việc làm nên đây là lựa chọn khôn ngoan.
Bạn đọc Mai Hiên cũng nhìn nhận hơn 360.000 thí sinh không xét tuyển ĐH "vì không có tiền đóng học phí và vì học xong nếu đi làm sẽ không đủ nuôi sống bản thân".
Nguyễn Vũ Đinh Huy (huyện Phước Long, Bạc Liêu) cho biết năm nay không xét tuyển ĐH vì 2 lý do: "Thứ nhất vì em cảm thấy học lực của mình khó có thể theo đuổi 4 năm ĐH. Thứ 2, em mong muốn học nghề để giảm bớt gánh nặng tài chính cho ba mẹ, sớm ra trường đi làm kiếm tiền. Học ĐH phải tốn hàng chục triệu đồng/tháng. Ba mẹ em làm giáo viên, lương chỉ đủ sống chứ không thể kham nổi việc nuôi em học ĐH".
Được biết, Huy vừa nhập học vào Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn ngành thiết kế đồ họa. Huy cho rằng thời lượng thực hành nhiều ở trường CĐ giúp nâng cao tay nghề và sớm gia nhập được thị trường lao động.
Có phải học nghề là không "nhìn xa trông rộng"?
Bạn đọc tên Thạch đồng tình với việc thí sinh chọn học nghề. "Quan trọng nhất là năng lực học tập của các em có đáp ứng được ở bậc ĐH hay không. Xu thế này cũng nói lên phần nào về cách các em nhận thức được năng lực của mình. Đó là điều tốt cho xã hội", Thạch nhìn nhận.
Ở một góc độ khác, một bạn đọc lại đánh giá: "Các bạn bây giờ hơi thực dụng, nhìn trước mắt mà không nhìn xa trông rộng một chút. Học ĐH khi mới ra trường thì không hơn các bạn CĐ và thua cả các bạn học trung cấp. Nhưng sau 5 đến 10 năm làm việc thì lúc đó các bạn sẽ thấy sự khác biệt. Chúng ta đi làm lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Các bạn nên suy nghĩ chuẩn hơn cho quyết định của tương lai mình".
Phản hồi ý kiến của bạn đọc, ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện lạnh Gia Nguyễn, chia sẻ: "Khi tuyển dụng, chúng tôi tuyển cho 2 vị trí. Thứ nhất là nhân viên, chiếm đến 95% nhân sự công ty, thì chúng tôi tuyển người tốt nghiệp trình độ CĐ, trung cấp. Thứ 2 là vị trí quản lý, chiếm 5%, thì có thể là tuyển trình độ ĐH. Tuy nhiên, việc một bạn tốt nghiệp ĐH hay CĐ không quyết định khả năng thăng tiến trong tương lai".
Ông Thanh cho hay bản thân cũng đi học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS. Vì thế, lúc 18 tuổi, ông Thanh đã có kỹ năng nghề để đi làm trong khi bạn bè 22 tuổi mới tốt nghiệp ĐH. Song song đó, ông Thanh học lấy bằng ĐH và thêm nhiều chứng chỉ khác.
"Việc các bạn học ĐH hay CĐ, trung cấp, thì cũng chung một cái đích là có việc làm để kiếm sống. Còn khả năng thăng tiến, phát triển sự nghiệp có tốt hay không phụ thuộc vào năng lực làm việc, sự nỗ lực và duy trì việc học liên tục chứ không phải phụ thuộc vào bằng cấp. Tất nhiên, các bạn tốt nghiệp những trường ĐH tốp trên thì sẽ có lợi thế hơn không chỉ với người học nghề mà cả với người học ĐH khác", ông Thanh nhận định.
Theo ông Thanh, bạn trẻ Gen Z ngày nay rất nhanh nhạy và thông minh, tự tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội hoặc người đi trước, sau đó tự ra đánh giá tổng thể rồi đưa ra lựa chọn đường đi vừa sức với mình, phù hợp với mục tiêu và hoàn cảnh.
Nhiều ngành nghề doanh nghiệp đến tận trường tuyển dụng
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: "Nhiều ngành học tại trường được doanh nghiệp đến đặt hàng ngay từ năm nhất. Các em chỉ cần tốt nghiệp là được tuyển dụng ngay, thậm chí đang đi thực tập đã được doanh nghiệp nhận".
Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cũng thông tin các ngành nghề thuộc khối sức khỏe, kỹ thuật, du lịch, chăm sóc sắc đẹp... thu hút nhiều thí sinh nộp hồ sơ của trường được doanh nghiệp đặt hàng nên tốt nghiệp là có việc làm ngay.
"Đây là những lợi thế này của việc học nghề khiến nhiều em ngay từ đầu đã nộp hồ sơ vào các trường CĐ, trung cấp chứ không đợi đến lúc trượt ĐH mới nộp vô", thạc sĩ Lệ Thu chia sẻ.
Bình luận (0)