Thông tin về các bệnh mạn tính không lây nhiễm được nêu ra tại buổi tọa đàm và ký kết hợp tác chuyên môn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ dược sĩ trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giữa Hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM, các nhà thuốc và Merck Healthcare Việt Nam, chiều nay 24.8.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó chủ tịch thường trực Hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM - cho biết hội tập hợp các dược sĩ thuộc bệnh viện công, tư, các nhà thuốc.
Việc ký kết hợp tác chuyên môn nói trên nhằm nâng cao năng lực của dược sĩ trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nâng cao kiến thức và kỹ năng tư vấn cho dược sĩ; nâng cao nhận thức cho bệnh nhân về các bệnh tim mạch, đái tháo đường... Dự kiến, có khoảng 7.000 dược sĩ được hỗ trợ đào tạo từ đợt này (từ 2022-2023).
Việc tư vấn dùng thuốc hợp lý, an toàn là nhiệm vụ quan trọng của dược sĩ bệnh viện, dược sĩ cộng đồng |
nhật thịnh |
Thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh tại nhiều nước cho thấy dược sĩ bệnh viện, đã chứng minh tính cần thiết và không thể thiếu trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, "dược sĩ cộng đồng”, bao gồm dược sĩ phụ trách chuyên môn và dược sĩ nhà thuốc không kém phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhấn mạnh, dược sĩ cộng đồng là các chuyên gia y tế dễ tiếp cận nhất với công chúng và là nền tảng của chăm sóc sức khỏe ban đầu. Họ cung cấp thuốc theo toa, hoặc khi được pháp luật cho phép, bán thuốc mà không cần toa.
Ngoài việc đảm bảo cung cấp chính xác các thuốc phù hợp, dược sĩ cộng đồng còn đảm trách các hoạt động chuyên môn: tư vấn cho bệnh nhân khi phân phối thuốc theo toa và thuốc không kê toa, thông tin thuốc cho các nhân viên y tế, bệnh nhân và cộng đồng.
Đặc biệt, theo PGS-TS-DS Nguyễn Tuấn Dũng (nguyên Trưởng bộ môn Dược lâm sàng, ĐH Y Dược TP.HCM), trong giai đoạn đại dịch Covid-19, vai trò của người dược sĩ cộng đồng còn được chú trọng hơn nữa với những đóng góp quan trọng như: Đảm bảo việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân; Tư vấn cho bệnh nhân về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa; Hỗ trợ việc theo dõi và quản lý các bệnh mạn tính...
Gia tăng bệnh mạn tính không lây
Thông tin tại buổi tọa đàm còn cho biết, các bệnh mạn tính không lây nhiễm (bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư...) đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Năm 2019, ước tính trong nước có 592.000 ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, chiếm hơn 81% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là tử vong do các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính, chiếm 66,2% tổng số tử vong. Trong số tử vong do các bệnh không lây nhiễm ở trong nước có 41,5% tử vong trước tuổi 70.
Chế độ ăn uống nhiều rau quả tươi giúp hạn chế các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, tim mạch, béo phì... |
K.vy |
Tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm cũng tăng nhanh qua các năm. Số liệu điều tra cho thấy tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là hơn 26%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường/tăng đường huyết ở người trưởng thành là hơn 7%, tương đương với 4,6 triệu người...
Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động có ảnh hưởng đến các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Cụ thể, nên ăn uống đa dạng thực phẩm, dùng nhiều rau quả tươi, hạn chế chất béo động vật; năng vận động cơ thể...
Bình luận (0)