Đó là kỳ công của người cán bộ lão thành 83 tuổi Phạm Hùng Anh, ở thôn Tân Quý, xã Vụ Bổn, H.Krông Pắk (Đắk Lắk).
Ông Anh (bìa trái) trao tặng bộ sưu tập ảnh Bác cho Đảng bộ xã Vụ Bổn - Ảnh nhân vật cung cấp
|
Khó có thể diễn tả cảm xúc tự hào, hạnh phúc trong giọng nói của ông khi kể về việc sưu tầm ảnh Bác trong suốt nửa thế kỷ qua. Ở tuổi thiếu niên, ông Anh đã cầm súng tham gia cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp tại quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1954, ông được tập kết ra Bắc, tình nguyện làm nhiều công việc khác nhau trước khi được cử đi học trung cấp chăn nuôi - thú y ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Tại đây, ông vui sướng khi cùng học sinh của trường và cán bộ, nhân dân trong vùng đón Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu.
Ông Anh hồi tưởng: “Buổi sáng ngày 10.12.1961, tôi hòa cùng hàng ngàn người dân cùng tụ tập về nông trường cà phê Đông Hiếu để được nhìn thấy Bác, nghe những lời dặn dò chân tình, ấm áp của Người. Tôi nhớ mãi hình ảnh Bác hỏi thăm hoạt động của từng đội sản xuất, đi thăm vườn cà phê, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên đoàn kết, tiết kiệm để phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng đời sống ngày càng ấm no. Vài hôm sau, khi đọc báo Nhân Dân đăng bài và ảnh Bác về thăm nông trường, tôi đã cắt ra tấm ảnh và giữ cẩn thận trong ba lô của mình”. Đó là lần đầu tiên ông Anh sưu tầm ảnh Bác.
Ông Anh còn vinh dự gặp Bác hai lần nữa. Đó là năm 1962, sau khi học xong, ông về công tác ở nông trường Thành Tô (Hải Phòng), được cùng công nhân nông trường đón Bác tại sân bay Cát Bi về thăm Bệnh viện Việt - Tiệp. Cuối năm 1963, ông Anh nhận quyết định tăng cường vào Nam chiến đấu, khi cùng lực luợng tập trung tại Hòa Bình chuẩn bị lên đường thì bất ngờ được Bác đến thăm, động viên ân cần.
Những lần gặp Bác đã để lại ấn tượng không quên trong tâm trí, giúp ông Anh vượt qua mọi gian nan, thử thách ở chiến trường Tây nguyên, Quảng Ngãi. Do ở rừng nhiều, ông bị bệnh sốt rét nặng nên năm 1969 được đưa ra lại miền Bắc và sang Trung Quốc chữa bệnh hơn một năm.
Sau ngày giải phóng, ông Anh vào nhận nhiệm vụ tiếp quản ở Đắk Lắk, công tác ở Sư đoàn 333 làm kinh tế cho đến khi về hưu năm 1984. Ông cho biết chỉ trừ thời gian ở chiến trường miền Nam không có điều kiện; còn lại suốt quá trình học tập, công tác và thời gian nghỉ hưu ông đều để tâm sưu tầm ảnh Bác từ sách báo, tổng cộng hơn 500 tấm ảnh. Theo ông, thời gian sau này báo chí đăng lại nhiều ảnh quý về Bác, nhờ đó làm phong phú thêm bộ sưu tập. Đó là những bức ảnh thể hiện tấm gương giản dị, gần gũi nhân dân của Bác như: Bác tát nước chống hạn với bà con nông dân ở Hà Đông năm 1958, Bác thăm một lớp học bổ túc văn hóa ở Hà Nội, Bác kéo lưới với ngư dân Thanh Hóa năm 1960, Bác đón Trung thu với các cháu thiếu nhi ở Tuyên Quang năm 1954…
Mỗi bức ảnh đều được ông Anh chú thích bằng chữ in kèm theo, ép nhựa cẩn thận, sau đó dán vào khung lớn, sắp xếp theo từng chủ đề về Bác. Năm 2010, ông tặng hai khung ảnh lớn với hàng trăm bức ảnh này cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Pắk và sau đó tặng một khung cho Đảng ủy xã Vụ Bổn. “Đây là đóng góp nhỏ bé của tôi giúp thế hệ sau có thêm hiểu biết về cuộc đời vĩ đại của Bác, thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Anh khiêm nhường nói.
Bình luận (0)