Hơn 7,1 triệu ha đất rừng chưa được xây dựng đề án quản lý sử dụng

29/12/2018 10:52 GMT+7

Tình trạng đất rừng, đất giao cho các công ty nông lâm nghiệp quản lý quá lớn đã nảy sinh tình trạng lấn chiếm tranh chấp, sử dụng không hiệu quả, 'chảy máu' đất rừng.

Đó là thực trạng được đưa ra tại hội thảo “Định hướng và giải pháp tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ở các công ty nông lâm nghiệp, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội” do Hội đồng Dân tộc Quốc hội phối hợp với Liên minh Đất rừng Forland tổ chức ngày 28.12.
Ông Triệu Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, cho biết trong tổng số hơn 9,1 triệu ha đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường hiện tại có 745 công ty nông, lâm nghiệp, hàng trăm UBND xã và hàng vạn hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng, nhưng mới chỉ rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý được phần đất giữ lại của 252 công ty nông, lâm nghiệp, với diện tích hơn 2 triệu ha, đạt 22%; còn 78% tương ứng với diện tích hơn 7,1 triệu ha đất có nguồn gốc nông lâm trường chưa được xây dựng đề án quản lý sử dụng đất.
Đồng thời với việc chưa xác định rõ ranh giới cùng với thực trạng nhân lực của nhiều công ty còn thiếu và yếu, quản lý không hiệu quả trong khi người dân địa phương lại đang thiếu đất sản xuất đã dẫn tới tình trạng lấn chiếm, khai thác trái phép lâm sản, phá rừng cũng như tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài.
Theo ông Đặng Vũ Trân, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại như việc thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật như giao khoán đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.
Đất bị người thuê tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc. Không những vậy, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê mướn đất đai trái pháp luật, xâm hại rừng diễn ra khá phổ biến chưa được giải quyết triệt để, có nơi tình trạng ngày càng nghiêm trọng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại trong 254 công ty nông, lâm nghiệp diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm với diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm khoảng 148.733 ha. Trong đó, các công ty nông nghiệp chiếm 18.842 ha và các công ty lâm nghiệp chiếm 129.891 ha.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.