Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà ở học sinh giảm từ 47,7% năm 2014 xuống 24,5% năm 2022; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%... Năm 2022, 78,7% học sinh có nhận thức về tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe; 57,5% học sinh được dạy ở trường về tác hại của thuốc lá trong 12 tháng qua.
Điều tra cho thấy khó khăn trong phòng chống tác hại thuốc lá ở người trẻ |
Hạ Huy |
Tuy nhiên, điều tra cũng cho thấy khó khăn trong phòng chống tác hại thuốc lá ở người trẻ. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng; tỷ lệ hút thuốc lá ở học sinh nhóm 13 - 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm học sinh từ 13 - 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa kiểm chứng hoặc dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội và internet.
Theo chuyên gia của WHO, thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống. Một số nước đã ghi nhận thuốc lá điện tử gây tổn thương nhu mô phổi. Các tác nhân có trong thuốc lá điện tử tác động trực tiếp lên phổi, gây ra tổn thương phổi cấp tính, hình ảnh kính mờ lan tỏa nền phổi 2 bên đã được ghi nhận là hình ảnh phổ biến nhất trong mô bệnh học.
Bình luận (0)