Hơn 80 người Việt chết đột ngột tại Nhật từ năm 2012

28/10/2018 06:30 GMT+7

Các chuyên gia Nhật Bản kêu gọi chính phủ có biện pháp nhằm bảo vệ thực tập sinh nước ngoài trước tình trạng áp lực nặng nề và làm việc quá sức.

Trong ngôi chùa Nisshinkutsu thuộc khu Minato tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, một loạt bài vị mang tên người Việt được xếp cạnh nhau trên bệ thờ. Ni cô Thích Tâm Trí tại chùa cho hay đây là bài vị của 81 người VN đã qua đời ở Nhật từ năm 2012 đến tháng 7.2018, phần lớn là thực tập sinh và sinh viên ở độ tuổi 20 - 30.
Theo tờ Asahi Shimbun, đây là bằng chứng rõ ràng về tình trạng nhiều thực tập sinh VN tại Nhật Bản đang phải chịu vô số áp lực từ làm việc quá tải, rào cản ngôn ngữ, ăn uống kiêng khem và cả nạn bắt nạt khiến một số không chịu nổi, thậm chí tìm đến giải pháp tiêu cực như tự sát.
Riêng trong tháng 7.2018, có 3 thực tập sinh kỹ năng qua đời đột ngột. Trong số này có một nam thực tập sinh tự sát vào ngày 15.7, để lại thư tuyệt mệnh gửi công ty và gia đình. “Tôi thật quá đau đớn vì bạo lực và bắt nạt”, bức thư viết. Em trai nạn nhân cũng sống tại Nhật Bản và một ngày trước khi treo cổ cạnh bờ sông, thực tập sinh còn gọi cho em và nói: “Anh cô đơn và đang uống bia một mình”, theo Asahi Shimbun. Hai thực tập sinh còn lại thì một người qua đời vì suy tim vào tháng 6 và một người tử vong trong lúc ngủ.
“Du học sinh và thực tập sinh kỹ năng cảm thấy căng thẳng một phần cũng vì rào cản ngôn ngữ. Họ ăn uống không đủ chất vì thường xuyên dùng mì ăn liền để tiết kiệm tiền gửi về quê hoặc trả nợ đã vay để được đến Nhật Bản. Thiếu dinh dưỡng, làm việc quá cực nhọc nên trong nhiều trường hợp dẫn đến sức khỏe tâm thần và thể chất không ổn định”, ni cô Thích Tâm Trí cho hay. Kể từ khi đến Nhật Bản vào năm 2000, vị ni cô này luôn tích cực hỗ trợ, tư vấn cho đồng hương mới sang cũng như làm hậu sự cho những người không may qua đời.
Tờ Nikkei Asian Review dẫn số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho hay 4.226 trong số 5.966 nơi làm việc bị cáo buộc giam lương thực tập sinh hoặc buộc họ làm quá giờ. Đó là chưa kể tình trạng lừa đảo hoặc ép làm những công việc nguy hiểm, không có trong hợp đồng. Theo báo cáo của chính phủ Nhật, 4 công ty tại nước này đã sử dụng thực tập sinh nước ngoài, bao gồm cả người Việt, dọn rác phóng xạ tại Fukushima, khu vực hứng chịu khủng hoảng rò rỉ hạt nhân sau thảm họa động đất/sóng thần năm 2011. Trong số này, một công ty ở tỉnh Iwate còn bị phát hiện không trả phụ cấp với tổng số tiền 1,5 triệu yen cho 3 thực tập sinh và đã bị cấm nhận thực tập sinh nước ngoài trong vòng 5 năm tới.
Theo bác sĩ Junpei Yamamura, nhiều thực tập sinh làm việc liên tục và thiếu nghỉ ngơi khiến cơ thể suy kiệt và căng thẳng về tâm lý. Ông đến VN hồi tháng 3 để gặp gỡ gia đình của một thực tập sinh qua đời hồi năm ngoái ở tỉnh Miyagi. Asahi Shimbun dẫn lời ông cho hay gia đình đã trả khoảng 1,2 triệu yen (250 triệu đồng) cho một công ty môi giới để sang Nhật lao động. Công ty này sau đó thông báo con ông đã qua đời vì bệnh tim và gửi tro cốt về. Vị bác sĩ này cho rằng thực tập sinh và sinh viên nước ngoài ở Nhật đang là “nạn nhân của chính sách không phù hợp”. Ông đề xuất giới hữu trách cần bắt buộc doanh nghiệp tuyển dụng lao động nước ngoài với hình thức công nhân thay vì thực tập sinh để họ hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định. “Chính phủ Nhật cũng cần tìm hiểu điều kiện thực tế của họ để có các biện pháp phòng ngừa”, ông Yamamura kêu gọi.
Liên quan đến cơ chế thực tập sinh kỹ năng, luật sư Shoichi Ibusuki cho rằng tình trạng thiếu thông tin cũng như sự trói buộc từ các công ty môi giới khiến lao động nước ngoài gặp nhiều khó khăn khi cần khiếu nại về điều kiện làm việc hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhiều người lo mất việc, không thể trả nợ và bị phía môi giới cấm phản ánh về điều kiện làm việc với luật sư và thanh tra lao động. “Cần xem lại các hợp đồng với dịch vụ môi giới và thông báo rõ ràng cho thực tập sinh, sinh viên lẫn gia đình họ biết về chương trình bảo hiểm lao động và các địa chỉ tư vấn ở Nhật có thể giúp đỡ họ”, ông Ibusuki kêu gọi.
Nạn lợi dụng nhân thân người Việt lừa đảo ở Nhật
Hãng tin Jiji Press dẫn số liệu từ cảnh sát Nhật Bản cho hay trong giai đoạn tháng 1 - 8.2018, có tới 144 thiết bị điện thoại di động đứng tên người Việt bị sử dụng trong các vụ lừa đảo, chiếm tỷ lệ 30%. Theo nhà chức trách, các nhóm tội phạm, gồm cả người Nhật lẫn người Việt, lợi dụng những người Việt mới sang, chưa rành ngôn ngữ để lấy thông tin nhân thân của họ nhằm lừa đảo.
Trong vụ mới đây, một người VN ngoài 30 tuổi đọc thấy tin quảng cáo trên Facebook về dịch vụ làm trung gian hỗ trợ người không biết tiếng Nhật ký hợp đồng mua điện thoại. Sau khi liên lạc với dịch vụ này, anh được một đồng hương dẫn đến cửa hàng và đưa hộ chiếu, thẻ cư trú cùng sổ ngân hàng cho người này để đăng ký. Sau khi mua được điện thoại thông minh, anh còn trả cho người trung gian 5.000 yen (hơn 1 triệu đồng). Tuy nhiên, người này sau đó tá hỏa khi cảnh sát liên lạc và cho biết một điện thoại khác đăng ký bằng tên anh đã được sử dụng để lừa đảo một cụ bà ở Tokyo. Giới điều tra nghi ngờ người trung gian nói trên đã lén dùng thông tin của đồng hương để mua thêm điện thoại và bán lại cho nhóm lừa đảo hoặc chính người này là thành viên của nhóm.
“Nhiều người Việt lạ nước lạ cái và không được hỗ trợ đầy đủ đã phải tìm đến các dịch vụ mờ ám rồi trở thành nạn nhân. Những lỗ hổng của chương trình thực tập sinh kỹ năng và du học (tại Nhật) đang khiến tỷ lệ tội phạm gia tăng”, ông Akiyoshi Naito, một nhà tư vấn chuyên giúp đỡ người Việt cư trú tại Nhật, nhận định với Jiji Press.
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.