'Hòn đá tảng' trong quan hệ Việt - Mỹ

01/02/2025 08:30 GMT+7

"Năm ngoái, ở Hà Nội, tôi được lãnh đạo Việt Nam tiếp đón. Chúng tôi đã nâng quan hệ đối tác lên cấp độ cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. Đó là minh chứng cho sự bền bỉ của nhiệt huyết con người và khả năng hòa giải sau mâu thuẫn", Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu như vậy tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 24.9.2024.

Xuân Ất Tỵ (năm 2025) đánh dấu bước vào thời điểm tròn 30 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, hợp tác phát triển kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học công nghệ… Quá trình hai quốc gia, hai Chính phủ gác qua chuyện cũ, bắt tay ký kết hợp tác đầu tư cũng không phải dễ dàng. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: "Tôi vào Thượng viện năm 1972, thời điểm Mỹ còn tham chiến tại Việt Nam… Cuộc chiến dài nhất lịch sử đất nước vào thời điểm ấy... Kết thúc tham chiến ở Việt Nam, nhưng mọi việc không hề dễ dàng, đơn giản với nước Mỹ… Hiện giờ, Mỹ và Việt Nam là đối tác, bạn bè. Quan hệ Mỹ - Việt Nam là minh chứng rằng sau sự kinh hoàng của chiến tranh luôn có con đường hướng về phía trước. Mọi điều đều có thể trở nên tốt hơn. Chúng ta không được quên điều đó".

Cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm

Ngày 11.7.1995, tròn 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao; mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.

'Hòn đá tảng' trong quan hệ Việt - Mỹ- Ảnh 1.

Cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) đón những chiếc tàu mẹ chở hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ

Ảnh: Hải Luận

Năm 2005, tôi may mắn được phỏng vấn Phó thủ tướng Vũ Khoan xung quanh câu chuyện Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ. "Khi Việt Nam đàm phán với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, một số lãnh đạo sợ nền kinh tế của chúng ta chịu không nổi với kinh tế Mỹ. Sau đó, tập thể Bộ Chính trị thống nhất quyết tâm làm, quá trình đàm phán không bên nào chịu nhượng bộ thua thiệt. Phức tạp, khó khăn, rắc rối trong quá trình đàm phán xảy ra rất nhiều", ông Vũ Khoan trả lời phỏng vấn.

Ông nói tiếp: "Anh em ngoại giao, thương mại của ta lạ nước lạ cái, khi chuẩn bị đã "chiếu cố" Mỹ là đối tác lớn nên đã ra dự thảo văn bản dài hơn các bản hiệp định thương mại "khung" với các nước khác. Đáp lại, phía Mỹ chuyển cho ta một dự thảo trên dưới 100 trang theo chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Anh Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ Thương mại (hiện đã sáp nhập Bộ Công thương - NV) lúc ấy chỉ đạo và trực tiếp đàm phán với phía Mỹ đã khéo léo, cương quyết bảo vệ bằng được tính cạnh tranh sòng phẳng với nhau, lấy thị trường làm thước đo. Kết quả là tháng 11.1999, hai bên dự kiến sẽ ký Hiệp định BTA tại New Zealand nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Đến phút chót đã nảy sinh một số vấn đề nên chưa ký được".

Sau đó, đoàn đàm phán Việt Nam tiếp tục gặp phía Mỹ để tháo gỡ những khúc mắc, tồn đọng chưa thống nhất. Kết quả là sau các cuộc đàm phán cam go, chiều 13.7.2000, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan, đại diện Chính phủ Việt Nam, và Đại diện Thương mại Charlene Barshefsky, đại diện Chính phủ Mỹ, đặt bút ký Hiệp định thương mại song phương.

"Sau khi ký Hiệp định, tôi được mời vào Nhà Trắng dự lễ Tổng thống Clinton công bố với dư luận trong nước và thế giới về sự kiện lịch sử này tại Vườn hồng. Tiếp tôi, Tổng thống Mỹ nói: "Chính tại đây Tổng thống F.Roosevelt đã nhắc tới một nước Việt Nam độc lập". Như vậy, tôi là quan chức chính phủ đầu tiên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bước vào Nhà Trắng và trực tiếp gặp Tổng thống Mỹ. Giống như tại lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN ngày 28.7 cũng vào năm 1995, một lần nữa trong tâm trí tôi lại hiện về hình ảnh biết bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống để giang sơn thống nhất và đất nước có được vị thế như ngày nay", ông Vũ Khoan kể.

Sau một thời gian nền kinh tế của nước ta kiểm nghiệm thực tiễn với nền kinh tế Mỹ, cán cân thương mại hai nước đều tăng. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 700 triệu USD vào năm 2000, đến năm 2005 đã tăng lên 7 tỉ USD, năm 2017 nhảy lên 50 tỉ USD, năm 2022 đạt trên 100 tỉ USD.

Như vậy, nền kinh tế của ta đã "chịu" được với nền kinh tế siêu cường thế giới. "Sân chơi" thương mại quốc tế không có chuyện "thông cảm" nước anh đang nghèo, nước giàu sẽ châm chước. Tất cả đều hành xử theo hiệp định đã ký kết và các thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp của Việt Nam luôn tâm niệm lấy chất lượng sản phẩm chinh phục người tiêu dùng và thị trường thế giới.

Chứng minh những vấn đề ở trên, trong cuộc phỏng vấn năm 2005, ông Vũ Khoan cũng kể lại quá trình đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, qua "cửa" của Mỹ lúc nào cũng căng thẳng, cò cưa từng dòng sản phẩm. "Đến phút chót cuộc đàm phán, phía Mỹ vẫn ép ta, tôi chỉ đạo anh em: dứt khoát Mỹ phải bỏ hạn ngạch quota dệt may cho ta, vì theo luật chơi đã là thành viên WTO thì không được áp dụng hàng rào hạn ngạch quota. Tại sao ông "bắt" tôi không có quota với ông, nhưng ông lại áp dụng quota với tôi. Đó là điều vô lý. Mặc dù Trung Quốc vào WTO năm 2001, nhưng Mỹ vẫn duy trì hạn ngạch quota với Trung Quốc đến năm 2008, Trung Quốc phải "ôm bụng" chịu. Mỹ "đòi" áp dụng với nước ta thời gian ngắn hơn Trung Quốc. Tôi cương quyết ngắn một ngày cũng không được, chừng nào Việt Nam gia nhập WTO, thì Mỹ phải bỏ hạn ngạch quota ngay lập tức, phía Mỹ chấp nhận bỏ, nhưng cũng cố kèm theo nhiều điều kiện. Chúng ta tiếp tục đấu tranh nhiều lần, họ giảm còn một số điều kiện dễ dàng", ông cho hay.

TẬP TRUNG ĐỘT PHÁ CÁC LĨNH VỰC TRỌNG TÂM

Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên thăm chính thức Mỹ và làm việc với Tổng thống Mỹ George W.Bush. Tại đây, ông Bush đã tuyên bố kinh tế là "hòn đá tảng" trong quan hệ song phương. Mới đây, vào cuối tháng 9.2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có chuỗi hoạt động đối ngoại tại Mỹ và đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo thống nhất tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa các cấp, nhất là cấp cao, tập trung đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, công nghệ cao, hợp tác bán dẫn, phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây tiếp tục là trọng tâm và là khâu đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.

'Hòn đá tảng' trong quan hệ Việt - Mỹ- Ảnh 2.

Công ty Mỹ nuôi cá chẽm trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa

Ảnh: Hải Luận

Thế giới đang trải qua nhiều biến đổi sâu sắc, chiến tranh, xung đột xảy ra ở một số khu vực, trình độ khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Đặc biệt, ngành chip, bán dẫn có thể làm thay đổi nhanh chóng nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc ngay, ngày 21.9.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn - ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu trên thế giới về công nghệ tiên tiến, công nghệ chip, bán dẫn… Có thể trong 30 năm tiếp theo, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ có những bước tiến cao hơn về xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, nhiều trường đại học của Việt Nam đã và đang lên kế hoạch tập trung đào tạo kỹ sư bán dẫn, chế tạo… tất cả nhằm hướng đến quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỉ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỉ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.