'Theo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 3 (2014 - 2019) của RIAV, những năm qua, sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ thông tin, tình trạng xâm phạm bản quyền đối với các sản phẩm bản ghi (bản ghi âm, ghi hình, bản ghi karaoke) thuộc quyền sở hữu của RIAV chưa có hồi kết trên các lĩnh vực, nhất là trên mạng, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh cũng như tái đầu tư cho sản phẩm mới của các đơn vị hội viên.
Từ năm 2015, sau nhiều lần thương thảo, RIAV đã chính thức hợp tác ký kết hợp đồng với Công ty Google nước ngoài (Google Inc, Google Ireland Limited, Google Commerce Limited) cấp quyền cho RIAV được trực tiếp đưa các sản phẩm thuộc quyền sở hữu của RIAV khai thác trên mạng xã hội YouTube. Để tạo thuận lợi hoạt động trong lĩnh vực này, RIAV thành lập đơn vị trực thuộc là Công ty TNHH MTV bản quyền nội dung số Việt Nam, đến nay đã thu hút được các đơn vị, cá nhân tham gia; bảo vệ được bản quyền các sản phẩm bản ghi và đem lại quyền lợi cho các đơn vị, cá nhân ủy thác khai thác. Dù vậy, theo Ban Chấp hành nhiệm kỳ 3, một số đơn vị sản xuất vẫn chưa thật sự tin tưởng vào hoạt động của hiệp hội (đơn cử là ngay trong đại hội, ông Hoàng Tuấn, Giám đốc HT.Production, đã xin rút khỏi RIAV), cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chưa thấy rõ vai trò của hiệp hội nên chưa có nhiều sự ủng hộ.
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm bàn luận nhiều là “nạn tranh giành, ăn cướp bản quyền trên mạng” như ý kiến của một số hội viên. Nhạc sĩ Minh Châu, hội viên của RIAV, cho hay anh cũng như không ít các ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất cảm thấy bức xúc trước tình trạng “ai cũng nhảy vào thu tiền tác quyền trên YouTube”. “Mới đây, ca sĩ Lam Trường gặp tôi cũng than phiền về việc bị đơn vị nào đó nhảy vào khiếu nại và cho rằng mình vi phạm bản quyền của họ, trong khi đó là sản phẩm của mình hẳn hoi. Ví như tôi, trong hơn 80 bản audio tôi ký gửi cho hiệp hội, tôi lấy một số bản tự ghi hình và làm thành video clip up trên kênh YouTube của mình thì ngay hôm sau bị bao nhiêu người gọi bảo tôi xâm phạm bản quyền của họ”, nhạc sĩ Minh Châu nói. Anh chia sẻ bài hát của mình, bản ghi âm của mình - những sản phẩm có giấy phép và hợp lệ về mặt pháp lý - nhưng người khác lại báo mình vi phạm trên YouTube, bảo mình ăn cắp của họ. “Về mặt danh dự con người, là nghệ sĩ, chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm. YouTube không đặt ra điều kiện ai có tư cách khiếu nại, mà ai cũng có thể xác nhận bản quyền đối với bất cứ sản phẩm nào, chỉ cần họ báo cáo lên YouTube họ bị vi phạm thì YouTube sẽ đổ tiền về bên người phản ánh, điều này gây ra tình trạng rất hỗn loạn”, anh bày tỏ và mong muốn RIAV tìm cách để quản lý, bảo vệ sản phẩm của hội viên, cụ thể là trên YouTube.
Ghi nhận các ý kiến trên, bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch RIAV nhiệm kỳ 3 (và tiếp tục được bầu vào ban chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025), cho biết: “Hiệp hội sẽ củng cố lại vấn đề về bản quyền số. Chúng tôi hiện có đủ phương tiện do YouTube cấp để bảo vệ và đấu tranh đến cùng dù người ăn cắp đó là ai”.
Bình luận (0)