Hơn một nửa tế bào trên cơ thể người là vi sinh vật

17/04/2018 09:04 GMT+7

Chỉ khoảng 43% số tế bào trên cơ thể người là thực sự của chúng ta, phần còn lại là những kẻ thường trú siêu nhỏ như vi khuẩn, vi rút, nấm và các loài vi sinh vật khác.

Điều này có nghĩa là dù chúng ta có sạch đến mức nào đi nữa thì những sinh vật siêu nhỏ ấy vẫn tồn tại ở mọi ngóc ngách trong cơ thể. “Chúng rất cần cho sức khỏe bạn”, BBC dẫn lời giáo sư Ruth Ley, giám đốc khoa học vi mô tại Viện Nghiên cứu Max-Planck (Đức).
Những vi sinh vật tồn tại nhiều nhất trên cơ thể người gồm vi khuẩn, vi rút, nấm và cổ khuẩn, tức nhóm các vi sinh vật đơn bào nhân sơ. Chúng tập trung dày đặc nhất ở những vùng thiếu ô xy nằm sâu trong ruột con người.
Ban đầu, các ước tính khoa học cho rằng trong tổng số tế bào của cơ thể người, tế bào thực sự thuộc về cơ thể nhiều hơn gấp 10 lần số vi sinh vật. Kết quả từ nghiên cứu mới nhất cho thấy vi sinh vật chiếm đến 57% tổng số tế bào trên cơ thể người.
Thậm chí, nếu tính dưới góc độ di truyền học thì kết quả chênh lệch còn lớn hơn. Bộ gien của con người được tạo ra từ khoảng 20.000 gien, trong khi đó bộ gene của các vi sinh vật tồn tại trên cơ thể chúng ta lên đến 20 triệu gien.
“Chúng ta không chỉ có một bộ gien. Gien của các vi sinh vật thực sự là bộ gien thứ hai của chúng ta, nó giúp cơ thể hoạt động tốt”, giáo sư Sarkis Mazmanian, nhà vi sinh vật học Viện Công nghệ California (Mỹ), nói.
Khoa học đang phát hiện ngày càng nhiều vai trò của các vi sinh vật này trong hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, khả năng chống chọi với bệnh tật và sản xuất các vitamin quan trọng, theo BBC.
Hiện tại, một số nhà nghiên cứu đang lo ngại những loại thuốc trị bệnh như kháng sinh và vắc xin có thể giúp chữa trị bệnh bằng cách tiêu diệt tác nhân gây bệnh, nhưng cũng đồng thời làm hại các vi sinh vật có lợi cho cơ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.