Hòn non bộ khổng lồ này tọa lạc tại ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng (H. Trà Cú), cách TP.Trà Vinh chừng 21 km theo quốc lộ 54. Khoảng năm 2004, phía sau hòn non bộ là nền đất mọc đầy cỏ, nhưng nay đã được thân tộc xây hàng rào kiên cố, gắn bảng “Dương gia chi mộ”. Giữa hàng rào và hòn non bộ mọc đầy cây dại, cao ngang gối. Cổng khóa chặt, hàng xóm cho biết người trông coi hòn non bộ là ông Tư Lành, bên kia đường.
|
Ông Tư Lành (Dương Văn Lành, 88 tuổi) nhớ lại: Lúc ông mới lên 7 thì bà cố của ông (tên Nguyễn Thị Biên) qua đời và được an táng nơi đây. Do an táng bà cố ông gần lộ, sợ xe cộ qua lại ồn ào ảnh hưởng tới phần mộ nên ông nội và chú út của ông (tên Dương Văn Gồng) quyết định xây hòn non bộ. Đó là khi ông chừng 11, 12 tuổi (khoảng 1935-1936). Hồi đó, xi măng xây hòn non bộ nhập từ Pháp về, là loại được đựng trong những vỏ bao bằng cây không như sau này đựng trong bao giấy. Công trình xây hòn non bộ do thợ từ Bến Tre qua thực hiện, hơn 3 năm mới hoàn thành. Hòn non bộ cao khoảng 6 m, dài 10 m, ngang 6 m. Dưới bàn tay xây dựng tài hoa của người thợ Việt Nam, hòn non bộ trông thật hoành tráng, giống như dãy núi mọc lên giữa vùng đất rộng lớn của gia tộc họ Dương. Hòn non bộ có các con đường bậc thang dẫn lên cao, nơi có những hồ nước, những hang động, những chiếc cầu bắc ngang dòng suối...Tất cả được tạo hình hết sức công phu, tỉ mỉ.
Theo ông Tư Lành, gia tộc họ Dương của ông rất tin thuật phong thủy. Hòn non bộ là nghệ thuật xây dựng, sắp đặt thu nhỏ đưa những ngọn núi to lớn ngoài tự nhiên vào trong các vườn cảnh để phục vụ không gian trong cuộc sống. Những nhà phong thủy đã dùng bí thuật sử dụng hòn non bộ để ếm triệt hoặc phát huy dung mạch. Để phát huy tối đa tác dụng của phong thủy trong nghĩa trang gia tộc, họ Dương ngoài xây hòn non bộ còn đào một hồ rộng đối diện, trồng sen. Theo phong thủy, việc này có ý nghĩa: gối đầu lên núi (hòn non - “giả sơn”), gác chân lên biển (hồ sen - “giả hải”). Đây là thuật phong thủy thường dùng cho các bậc đế vương, được ông Gồng áp dụng với ý nghĩa: tạo nơi an nghỉ tốt đẹp của người thân và giúp gia tộc họ Dương ngày một thịnh vượng: “Gối đầu” lên núi biểu trưng cho sự vững chãi; “mặt” nhìn và “gác chân” ra biển tượng trưng cho sự thịnh vượng.
Ông Dương Văn Gồng sinh năm Nhâm Thìn (1892), là Hội đồng, người ta quen gọi là Hội đồng Gồng. Hội đồng Gồng là người giàu có, thừa điều kiện làm những việc to lớn, do vậy ông đã bỏ tiền ra xây hòn non bộ cho gia tộc. Ngày mồng 6 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1952), ông Dương Văn Gồng qua đời, được an táng bên trái bà Nguyễn Thị Biên. Sau đó, vợ ông Gồng là Nguyễn Thị Hiền qua đời, an táng bên phải bà Nguyễn Thị Biên.
Khi xây hòn non bộ, khu đất gia đình họ Dương rộng tới 5.000 m2. Theo lời một số người cố cựu ở Trà Vinh kể lại, vào những năm 1950, có một vài tờ báo ở Sài Gòn phong tặng đây là “Hòn giả sơn lớn nhất Nam kỳ lục tỉnh”. Hiện nay, diện tích hòn non bộ đã thu hẹp, nhà cửa hai bên lấn át nếu không quan sát kỹ sẽ chẳng thể nào phát hiện được. Cái ao sen sau nhiều năm không được chăm sóc, bị đất cát cỏ cây trùm lấp, giờ không còn nữa.
Con cháu nhà họ Dương cư trú tại mảnh đất này, ngoài ông Tư Lành còn có anh Dương Trung Nguyên (42 tuổi, giáo viên), là cháu sơ của ông Dương Văn Hưng - ông cố của ông Tư Lành. Ông Hưng mất và an táng ở vàm Trà Vinh, năm 2007 bốc mộ hỏa thiêu và thủy táng ở sông Long Bình (Trà Vinh). Không biết thuật phong thủy mà ông Gồng áp dụng cho “Dương gia chi mộ” kết quả ra sao, mà nhìn gia cảnh ông Tư Lành và anh Dương Trung Nguyên chẳng lấy gì làm sung túc. Có lẽ phát đạt nhất là số con cháu dòng họ Dương đang định cư ở nước ngoài?
Phương Kiều
>> Thăm làng tỉ phú cây cảnh Điền Xá
>> Cảm biến theo dõi cây cảnh
>> Cây cảnh giả hoành hành dịp cuối năm
>> Đào trộm cây rừng làm cây cảnh
Bình luận (0)