Sài Gòn là vậy đó, vùng đất của dân tứ xứ đến mưu sinh, vùng đất mà nhiều người văn vẻ ví von là một “nàng Audrey Hepburn” kiêu kỳ của Đông Nam Á với vẻ xa hoa, lộng lẫy có thể khiến không ít người choáng ngợp ngay từ lần gặp đầu tiên. Nhưng với đại đa số còn lại, Sài Gòn đơn giản là một “cô gái Nam bộ” hồn hậu, đáng yêu. Khi ai đó gọi bạn là “người nhà quê” ngay tại vùng đất này, thì, xin đừng nghĩ ngợi sâu xa. Những lời thương mến đó có thể chỉ đơn giản là tiếng mừng reo bởi họ chắc cũng là một “người nhà quê” đang lặn lội mưu sinh giữa thành phố này và tình cờ nhận ra một “đồng hương” xa lạ.
|
Người Sài Gòn, trừ những ai chôn nhau cắt rốn, còn lại đa phần là dân tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp. Và trong xấp xỉ 10 triệu dân, phía sau những bộ trang phục, lớp son phấn, những chức vụ hay danh xưng ai mà chẳng có gốc gác từ một làng quê, miệt ruộng, xóm thôn nào đó? Từ Bắc xuôi Trung vào Nam, từ những vùng chiêm trũng đến những làng chài nghèo khó vùng duyên hải hay bưng biền Nam bộ đâu đâu chẳng có những người cha người mẹ vất vả cấy cày, đào mương khơi lạch... Họ vun trồng, gặt hái, cuốc rẫy, chài lưới... chắt mót từng đồng cho thế hệ con cháu được học hành, được đi xa hơn ra bên ngoài cổng làng, thấy những thứ cao rộng hơn bầu trời bên trên lũy tre, được giũ bùn phèn nứt nẻ mà mang lên phố một niềm tin đổi đời mạnh mẽ. Để rồi, Sài Gòn trở thành quê hương thứ hai sau nhiều năm rời quê lên phố, bắt nhịp với sự tất tả mưu sinh, những đứa con mang hồn quê giữa phố ấy đôi khi lại thèm đến nao lòng được bỏ hết gánh nặng trên vai, trở về với gốc gác chân quê bình dị trong chính con người mình…
Mỗi nơi mỗi nết. Nhưng đa phần người nhà quê tính tình đơn giản, hồn nhiên, hào sảng, phóng khoáng. Người nhà quê ăn nói rổn rảng, người nhà quê thiệt thà, chân chất. Người nhà quê quý tình làng nghĩa xóm, biết thương yêu đùm bọc nhau ở nơi đất khách quê người. Lên phố, sấn mình vào cuộc mưu sinh tưởng chừng đã chai sạn, song, lắm khi giữa một đám đông không quen biết giữa Sài Gòn đông nghịt, chợt nghe một giọng “quê mình” cất lên mà rưng rưng muốn khóc…
Và thế là, Sài Gòn may mắn làm chốn dưỡng nuôi cho những người con tha hương mang gốc quê đi tứ xứ nhưng vẫn mang đậm cái hồn dân dã hệt như ba phần tư thế kỷ trước Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã từng đúc kết đúng đến từng con chữ: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta”. Để rồi những người con xa xứ ấy lại tiếp tục thương nhau, yêu nhau, cưới nhau, tạo lập nên những mái ấm ngay tại Sài Gòn. Và những thế hệ thứ hai, thứ ba... sinh ra trên phố thường tròn xoe mắt ước ao khi nghe ông bà, cha mẹ kể về tuổi thơ từng nô đùa cùng chúng bạn trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh, có cánh diều chao liệng trên một khoảng trời xanh ngắt đi vào cả những giấc mơ bé bỏng. Rồi bọn nhỏ chợt nhen lên nỗi thèm và muốn trở về mảnh đất đơn giản mang tên “quê nội”, “quê ngoại” nơi ông bà, cha mẹ chúng đã sinh ra, đã lớn lên, đã tưới tắm tuổi thơ mình nơi ấy, ao ước được gặp những người họ hàng “nhà quê” mà cha mẹ chúng thường nhắc đến với niềm xúc động thương nhớ…
Thậm chí khi cuộc sống Sài Gòn ngày càng khó khăn, khi phải kèn cựa nhau từng mét vuông đất để sống, để làm việc, để mưu sinh hay thậm chí là bay đến những phương trời xa xôi nào khác thì chính phần nhà quê đó giữ cho chúng ta một nguồn cội bình yên để nương náu trong tâm trí, nơi ta được guồng chân chạy mải miết có những cánh đồng làng xanh mướt, nơi có cái giậu mồng tơi mơn mởn, nơi ta được xõa tung cánh diều trên những triền đê lộng gió, được ùm mình vào lòng sông quê vỗ về yên ổn và múc một gáo nước lu mát lạnh sau chái nhà tưới mát cho những gốc quê…
Thế nên năm nào cũng vậy, sau những ngày hội hè, lễ lạt, những con người quê ấy sau khi tưới tắm phần hồn nhiên nhất của mình lại tất tả lên phố, lao vào cuộc mưu sinh hồn nhiên, hiền lành với nụ cười không tắt. Chính họ đã làm nên linh hồn của thành phố này với hàng triệu triệu nhịp đập ấm nồng toát ra từ cuộc sống cuồn cuộn như một dòng chảy sôi nổi, hòa cùng khí chất hào sảng khó lẫn của người quê tứ xứ đã “lỡ” trở thành người Sài Gòn và gắn bó với vùng đất này bằng một tình yêu bất tận, khôn nguôi…
|
Bình luận (0)