Hồn trăm năm cũ

22/02/2015 15:46 GMT+7

(TN Xuân) Bạn hỏi, chị à, nếu nói về một Sài Gòn xưa cũ thì người ta sẽ nhớ những gì? Câu hỏi làm tôi giật mình, bốn mươi năm sống ở Sài Gòn tôi nhớ gì về Sài Gòn 'hôm qua' trong sự thay đổi nhanh chóng của ngày hôm nay?

(TN Xuân) Bạn hỏi, chị à, nếu nói về một Sài Gòn xưa cũ thì người ta sẽ nhớ những gì? Câu hỏi làm tôi giật mình, bốn mươi năm sống ở Sài Gòn tôi nhớ gì về Sài Gòn “hôm qua” trong sự thay đổi nhanh chóng của ngày hôm nay?

Hồn trăm năm cũẢnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều người hoài cổ thường sưu tầm bưu ảnh xưa về nơi chốn họ đã từng sống, từng đến, có những kỷ niệm khó quên, thậm chí cả những nơi họ yêu thích mặc dù chỉ được biết qua trang sách hay một bộ phim. Qua bưu ảnh người ta gặp lại những gì đã xa, những gì đã mất, cả nơi chốn và con người. Bưu ảnh là một trong những phương tiện góp phần lưu giữ ký ức đô thị bao gồm cảnh quan như những con đường, công sở, chợ, công viên, những cây cầu, trường học, bùng binh (vòng xoay giao lộ), tượng đài, nhà thờ, chùa miếu… Những sinh hoạt đời sống như lễ hội, giao tiếp, bán mua nơi chợ búa, hàng rong, cửa tiệm, các dịch vụ, phương tiện giao thông…
Vậy ta hãy bắt đầu hoài niệm về thành phố qua những tấm bưu ảnh về Sài Gòn xưa bạn nhé.
Năm 1862 trong bản quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn đầu tiên, đô thị mới trong ranh giới rạch từ Tàu Hủ - rạch Thị Nghè - sông Sài Gòn - lên phía bắc đến chùa Cây Mai - đồn Chí Hòa. “Trái tim” của Sài Gòn là khu vực nhà thờ Đức Bà và kế bên nó là Bưu điện Trung tâm, phía trước quảng trưởng nhỏ là đầu con đường chính (nay là đường Đồng Khởi). Từ “tâm” này mở rộng bán kính trên dưới một cây số ta có tòa thị chính, chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng và cột cờ Thủ Ngữ, bến đò Thủ Thiêm, dinh Thống Nhất và vườn Tao Đàn, Thảo cầm viên, cả khu nghĩa địa “Tây” Mạc Đĩnh Chi nay đã thành một công viên lớn, có thể kể đến các nhà thờ và chợ khu vực Tân Định, khu vực Chợ Quán… Đầy đủ những “thiết chế” chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của một đô thị hiện đại hồi cuối thế kỷ 19, những cảnh quan làm nên bản sắc của đô thị Sài Gòn.
Các công trình này được xây dựng vào giai đoạn đô thị Sài Gòn mới hình thành chỉ với khoảng hơn nửa triệu dân. Cũng may, cho đến cuối thế kỷ 20 trải qua một thời kỳ chiến tranh và dân số Sài Gòn tăng hơn mười lần, khu vực này gần như không bị biến đổi về cảnh quan. Nó trở thành những “điểm đến” và “điểm nhớ” của những người Sài Gòn còn ở lại hay đã đi xa.
Ở Chợ Lớn, nếu lấy chợ Bình Tây làm tâm điểm mở rộng ta sẽ có khu phố cổ Triệu Quang Phục chạy dài tới bến Hàm Tử, cùng với Thất phủ Quan Võ miếu, chùa Bà (miếu Thiên Hậu) và nhiều ngôi miếu cổ ngày nay còn khá nguyên vẹn dáng dấp cổ xưa của một “trung tâm” Chợ Lớn dù khu vực thương mại đã dời chuyển qua nơi khác. Vùng Chợ Lớn còn nổi tiếng với các chành, vựa bán sỉ hàng hóa đi các nơi kể cả xuất khẩu. Nơi đây còn là vùng “gốm Sài Gòn” lưu lại di tích vài lò gốm cổ với kênh rạch Lò Gốm. Rồi chùa Cây Mai, lũy Bán Bích, đại đồn Chí Hòa… những dấu xưa tích cũ nay chỉ còn lưu trong sử sách.
Đi trên đường thành phố hôm nay, đôi khi bắt gặp những nét đẹp xưa tàn phai cô đơn giữa những tòa cao ốc kính xanh đèn màu, ngậm ngùi như khi nhìn thấy những tấm bưu ảnh xưa lọt thỏm trong sạp báo toàn hình các “chân dài” sặc sỡ. Dù vật đổi sao dời, người tóc bạc hay người đầu xanh, ai từng sống ở Sài Gòn đều mong muốn những “cổ tích” xưa được lưu tâm gìn giữ, bởi đó là những nét riêng có làm nên “hồn đô thị Sài Gòn”, là nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn người Sài Gòn, bồi đắp tình yêu Sài Gòn. Bởi vì nếu không có một Sài Gòn “ba trăm năm” thì có lẽ thành phố hôm nay sẽ trở nên lạc lõng và cô đơn trong ký ức nhiều người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.