Tình tắm rửa thiệt kỹ càng, xịt thêm miếng nước hoa cho không bị ám cái mùi trầm. Mà năm bảy lần xịt vẫn còn thấy quanh mình mùi trầm thoắt ẩn rồi hiện theo từng cơn gió.
Tình đi ra nhà trước, lướt thật nhẹ thật vội, hổng để ngoại thấy à nhen. Ngoại mà thấy thì tiêu. Ngoại gần tám chục, chứ tinh lắm. Kiểu như con ruồi bay ngang, ngoại cũng xỉa mớ thuốc rê mà phán con đực hay cái. Ai cắc cớ hỏi ngược sao ngoại biết. Ngoại sẽ bỏm bẻm mà cười, ờ tại nó hổng bu tao, thì nó là con cái. Đàn bà với nhau, hay ganh tị nhơn sắc lắm bây ơi. Gặp lúc nhà đang nhiều thợ làm, được trận cười như vỡ tổ.
Mà ngoại thì cứ như bà đốc công của xưởng nhà. Sáng chưa tờ mờ đã ngoáy trầu ngồi ngay cổng nhà, đếm coi nay sót thợ nào. Nhiều khi ngoại lội bộ xuống tận xóm trong để gõ cửa mà kiếm. Mấy lúc ba cũng cằn nhằn, già rồi đi đông đi tây, lỡ vấp té hay bị gì, con cháu biết đâu mà lần. Ngoại trề môi, bắt chéo chân, ra vẻ giận hờn. Ủa thì người ta mần công cho mình, người ta hổng đến thì mình đi tìm, lỡ may hôm đó họ bệnh, mình ên ở nhà thì sao? Mình quý họ thì họ mới mần ăn bền cho mình. Lúc mình mới làm nghề, cũng là họ chịu cực chịu khổ với mình mà thôi. Có những thứ, trong cuộc đời này, hổng thể quên nha anh Hai Tân, nhất là cái tình người với nhau.
Ba chỉ biết nhìn ngoại rồi nhăn mặt, trời ơi má này, nhắc chi hoài mấy cái chuyện cũ rích. Thôi thôi coi như con hổng có nói gì nghen má.
Hễ đứng con nắng, vệt hắt vào hết bậc thềm nhà, là y như rằng ngoại chắp tay ra xưởng, nhìn một lượt rồi phán rõ to: Ăn cơm bà con ơi! Vậy là mọi người lại lục tục đứng lên rửa tay, ra phía sau mà nghỉ trưa. Nhiều khi cũng chệch giờ năm ba phút. Ngoại hề hà với má, thì tại ông trời nay ổng đói bụng sớm, chớ không phải tại tui nha vợ thằng Tân. Ngoại quen gọi má như thế, kể từ ngày má gả về cho ba. Cái tên ngoại đặt hồi lọt lòng, nghiễm nhiên ngoại quên bặt.
Có lần, đâu chừng hồi Tình còn nhỏ xíu, bảy tám tuổi gì đó, Tình thắc mắc. Ngoại tỉnh rụi, ủa thì ngoại gả má con đi theo chồng, là trọn cả một đời theo người ta rồi. Hồi xưa nữ sanh ngoại tộc mà con. Tại ba con hồi đó mồ côi, nên coi như ngoại bắt rể. Mà rể hay râu rìa gì cũng thây kệ, con nào lại hổng là con. Kêu một tiếng má, vậy là mình thương. Thương như máu mủ ruột rà. Mà phải phước má mày mới lấy được ba mày đó Tình. Chèn ơi, đàn bà gì mà nấu cơm, cơm khét, kho thịt, thịt đen. Hời ơi, ngoại rầu thúi ruột. May có ba mày gánh đời nó. Chứ ngoại là thiếu điều thượng nó lên rồi. Con ai chớ hổng phải con tao bây ơi! Tiếng bây ơi kéo dài thườn thượt.
Ủa mà má con tệ là do ai dạy vậy ngoại? Tình nheo nheo mắt hỏi. Tay vân vê cái vành khăn rằn của ngoại quấn đầu. Lẫn trong câu hỏi là cái miệng nhếch lên, cái mặt cà khịa lộ rõ nét. Ơ, mồ tổ cha mày nhen, tao quánh mày à, ý mày chê ngoại bây dở phải hông? Ngoại quơ cây quạt được bện bằng mấy lá tre khô, nhá nhá về phía Tình. Thằng nhỏ vừa bỏ chạy vừa la làng. Cả nhà náo động.
Ba má từ ngoài xưởng nhìn vào nhà, lắc đầu ngao ngán. Một già một trẻ cứ vắng mặt thì chạy đi kiếm, mà sáp lại thể nào cũng rân trời một cõi. Năm đó Tình đã mười sáu, vẫn cứ đeo theo ngoại.
2. Ba đến với nhà này, như là một định mệnh run rủi của phận mình. Một chiều những năm bảy mươi khói lửa ngập ngụa khu ngoại ô Sài Gòn. Ngoại nhận được lệnh đến điểm tập kết để nhận một đứa trẻ, nhà nó bị pháo kích cháy nát. Tía má nó bị địch giết treo xác giữa rừng bạch đàn. Hồi đó, khu Vườn Thơm vẫn là cứ địa giằng co ác liệt giữa mình với địch. Cả cái Lê Minh Xuân này, mỗi khu Vườn Thơm là địch chẳng thể nào càn nổi. Dân khu này chẳng có gì, chỉ có đúng một chữ liều. Liều mình để đổi lấy tự do đó con. Cái tự do thế hệ tụi bây đang thong dong mà sống. Bao người nằm xuống, còn xác, mất xác. Bao gia đình ly tán, còn gặp lại, hay xa xăm biệt tăm. Bao thứ cứ trôi qua vùn vụt. Thời gian nghiệt ngã quá đỗi. Nhưng đôi khi cái nghiệt ngã của thời gian lại hay. Nỗi đau nào cũng nguôi ngoai. Vết thương nào cũng khép miệng. Dẫu chẳng thể lành lặn vẹn nguyên nhưng vẫn có thể sống. Sống thật tử tế, vì những người đã nằm xuống.
Ba bây hồi đó mới mười hai, nhưng đã biết cái phận mồ côi, đã biết tự lập và trưởng thành. Rồi một đêm xuân, ba bây chạy hớt hải về nhà, trong tay cầm cái giấy báo tử của ông ngoại. Cái tết năm đó, nhà mình chỉ toàn nước mắt. Ba bây bắt đầu tự gồng gánh cả nhà này. Giải phóng rồi, thì mình làm lại từ đầu. Khu này được cho làm kinh tế mới, cực khổ trăm bề. Từ rừng hoang, từ khô cằn, từ cơ cực, để hôm nay mới xanh lành và khang trang như thế này.
|
Rồi cũng chính ba mày, cũng đem cái nghề học được từ mấy ông người Hoa của quận Năm về khu này, bày ra mà kiếm sống. Khắp cái Sài Gòn, chỉ Vườn Thơm này, là bám nghề gần bốn chục năm nay. Nên bây cũng nhớ nghen Tình, giữ cái nghề là giữ cái hồn của Vườn Thơm. Đất mình, xóm mình, nghề mình, mới chính là dành cho mình. Đừng ngó nghiêng nơi đâu hết. Đôi khi ông trời ổng sanh mình ra thì đã có sẵn một sứ mệnh. Bây thấy không, giờ chỉ mấy người già làm nghề. Bọn trẻ cứ đu đeo về thành phố, về mấy cái tòa nhà trung tâm hào nhoáng mà tìm kiếm một cuộc đổi đời. Riết rồi nó cũng mai một theo thời gian. Chút cái nghĩa cũ càng này con phải giữ lấy.
Ngoại đong đưa cánh võng, miệng nhai trầu bỏm bẻm, ngoại nói với Tình. Ánh mắt dịu vợi ra phía đám ô dước trước hiên nhà. Năm đó Tình hai mươi. Cao lớn vạm vỡ, da rám nắng, đã bắt đầu theo ba đi giao từng thiên nhang khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Tình hiền lành, chăm bẵm vào con chữ, ngoài học ra là chạy ù về nhà cộng sổ tiền hàng, đếm từng thiên nhang. Tình không được cho nhiều tiền như đám bạn nhà ngoài mặt phố. Tình cũng chẳng thể đòi hỏi một chiếc xe xịn sò như đám lêu bêu gia đình vừa mới bán đất. Tình lại càng không dám mơ tưởng áo sơ mi trắng, thắt cravat, quần tây xếp ly âu, sáng sáng ra vào mấy cái tòa nhà cao ngút trời trong khu trung tâm.
Tình chỉ là một thằng bán nhang. Bán nhang như vốn dĩ Tình sinh ra để làm điều đó. Bán nhang cần mẫn. Bán nhang khắp mọi nơi, dù xa cách mấy. Hễ thấy ai gọi nhang Vườn Thơm là Tình mừng… Ờ, mừng như Tình gặp được Duyên.
3. Làm nhang cực lắm, canh từng con nắng, sợ từng đám mưa. Ban đầu là chẻ chân nhang bằng tre tầm vông, đem ngâm nước trước một đêm rồi lại phơi vài con nắng cho chân nhang ráo, sau đó mới nhuộm đỏ, bó lại thành từng muôn.
Tới cái công đoạn làm bột nhang, cũng là một kỳ công thách thức mình phải nhẫn nại. Nghiền nát vỏ cây bạch đàn và ô dước tạo thành một loại bột. Đem bột ấy mà rây cho nhỏ, mịn, để làm bột áo, bao bọc ngoài thân nén nhang. Bột nào còn to thì bỏ vào trong, gọi là bột hồ, để se thân nhang. Nếu làm nhang thơm hay là nhang thẻ thì phải dùng gỗ trầm, hoặc quế chi, nghiền nhỏ trộn chung với bột nhang.
Mà đâu phải nói se nhang là se, phải có tỷ lệ đàng hoàng chứ se bậy se bạ, nhang rã rời, sợ chưa kịp đốt thì đã bong tróc từng mảng bột ra. Rồi tới kỹ thuật nhúng bột sao cho bao phủ và bám chắc vào thân nhang nữa. Tỷ như chỉ cần nước không đủ lạnh để thân nhang không ăn được bột, hay mình quên cái trình tự nhúng thì thôi rồi cây nhang nghen con.
Hay là con đi học lại đi, ba nuôi mày được mà Tình. Miễn có học để sau thành ông này bà nọ. Mặc cái bộ đồ đẹp, sáng đi làm công sở, chiều tối lại về nghỉ ngơi. Chứ mê chi cái nghề của ba, cực lắm, con thấy mà. Hai bàn tay đỏ chét, dù mình có làm bằng phẩm màu thiên nhiên chứ không phải mấy cái bột màu mua ngoài chợ thì lâu dần cũng bị bám dính vào tay.
Tình chẳng nói gì, cứ cặm cụi xòe từng muôn chân nhang mà đem ra ngoài thềm nắng phơi. Ba má đâu hay Tình quyết bỏ dở đại học để nối nghiệp của nhà mình, đúng ngay cái hôm ba giao nhang tuốt Gò Vấp bị người ta dàn cảnh quẹt xe rồi móc túi mất mấy triệu tiền hàng. Ba cũng già rồi, đường sá xe cộ, lại thêm phần thiên hạ ngoài kia tinh ma quỷ quyệt, làm sao mà xoay trở kịp.
Như ngoại nói đó, Tình giữ nghề, giữ cái hồn của Vườn Thơm. Xưởng nhang nhà mình cũng ngót chừng ba chục nhân công. Mỗi một người là một hoàn cảnh. Có gia đình cả hai thế hệ cùng se nhang xưởng. Phía sau mỗi tháng năm bảy triệu tiền công, là chén cơm là manh áo, là ước mong con chữ cho thằng Tí thằng Tèo gì đó. Nên cái chuyện ba than với má, chắc chục năm nữa là dẹp xưởng, tụi trẻ nhỏ giờ ai đâu thèm làm, Tình nghe mà xa xót.
Đêm đó Tình trằn trọc có ngủ được đâu. Mở cửa nhìn trăng rọi trắng hàng ô dước trước nhà. Nghe gió khua tán bạch đàn xạc xào. Tình thấy mình như thuộc về cái ngoại ô mộc mạc bình dị này.
Tình học từ ba tất thảy các công đoạn làm nhang. Như tách bột làm ba phần khi se thân nhang. Phần thứ nhất chỉ là bột ô dước, phần thứ hai tỷ lệ nửa hồ nửa áo, phần thứ ba thì một hồ hai áo. Đơn giản dễ nhớ. Cứ thế mà se nhang.
Sau đó lại phải bỏ nhang vào một thùng nhôm lăn tròn theo chiều ngang của thùng cho nhang chắc mình. Lăn chừng mười lăm phút ráo bột thì mới bắt đầu phơi nhang lên phên. Một hai con nắng là đóng bao rồi xếp thành muôn mà để kho.
Đó mới một năm chứ nhiêu đâu, Tình thuộc nằm lòng, Tình làm ngon ơ. Vậy ba về hưu được chưa. Ba nghỉ ngơi đi, gần sáu chục rồi, có phải trẻ trung trai tráng gì cho cam, mà cứ hùng hục với mớ nhang mớ bột suốt ngày.
Tình nói là nói vậy, chứ Tình biết tính ba mà, ba cái gì cũng giành làm ráo trọi. Ba chưa bao giờ để má cực, chưa ba giờ làm ngoại buồn. Cũng chưa bao giờ ba đánh Tình một roi nào. Ba giận ba la, la rồi thì ba lại phân tích kỹ càng cho Tình hiểu. Tình phải hiểu thì sau này Tình mới lớn khôn. Ba đâu có sống suốt đời được với Tình. Như đám ô dước bạch đàn, tàn một đời cây, cũng thành hương bay vào tầng không mà thôi.
4. Ngoại níu áo Tình lại, môi trầu quệt đỏ, mắt chăm chú vào cái áo sơ mi sọc xanh da trời, hít lấy hít để cái mùi hương lạ trong nhà. Nè he cháu ngoại, bồ bịch rồi he. Nay bày đặt lên đồ vía, dầu thơm sực nức. Bậy nè ngoại ơi, bồ bịch gì trời, đi giao nhang nè, người ta bắt giao buổi tối, chỗ đó là nguyên cái cửa hàng lớn, hổng lẽ ngoại muốn cháu mình ăn mặc bình thường, rồi trên người toàn mùi trầm mùi nhang. Người ta cười chết. Người ta hổng khen cháu của ngoại đẹp trai nữa đâu.
Mà nè kể ngoại nghe nha. Bữa giao nhang ở chợ Bàn Cờ, cô kia khen con đẹp trai quá chừng. Cái con nói con đẹp giống ngoại. Ngoại con hồi xưa là hoa hậu khu Vườn Thơm đó. Khắp cả cái Lê Minh Xuân này, giờ hổng tìm ra cô nào đẹp bằng ngoại con đâu.
Tình nói dứt câu, chưa kịp nghe cái câu mồ tổ cha mày như thường lệ của ngoại, đã ba giò bốn cẳng hộc tốc leo lên xe nổ máy, bỏ lại ngoại đứng ngơ ngác nơi thềm nhà.
Cũng may, xe vừa trờ tới cũng là lúc Duyên đang dẹp hàng. Tình khiêng vội năm muôn nhang vào trong, xếp dưới lòng kệ, rồi chẳng cần Duyên nhờ vả, tự động nhanh tay dọn hàng giùm cô.
Duyên cũng vừa tròn hai mươi, nhà ngay khu bán đồ vàng mã của Chợ Lớn. Ba mẹ Duyên là mối hàng lâu năm của nhà Tình. Nay cô lớn lên thì cũng theo nghề ba mẹ. Duyên dáng dong dỏng cao, nước da trắng, đôi mắt buồn rười rượi, ươn ướt nước. Tóc dài đen nhánh, ôm gọn bờ vai. Cái lần đầu tiên Tình thấy Duyên, là một buổi chiều trời nổi gió, cô xõa tóc ngồi cặm cụi kiểm hàng. Chừng nghe tiếng Tình đến giao hàng thì quay sang nhìn. Gió thổi tung làn tóc, như mây tràn xuống phố, tràn luôn vào lòng Tình. Người ta nói uống nhầm ánh mắt, say cả một đời là đây. Huống chi Tình gói cả đám mây vào lòng. Đêm về cứ trằn trọc cái khắc giây ấy.
Rồi Tình cũng lân la làm quen, bắt chuyện, dọn hàng phụ. Thỉnh thoảng lấy vài chai nước sâm ngoại nấu cho thợ uống ghé sang hàng của Duyên mà dấm dúi vào tay. Mấy bận nhà có giỗ, Tình cũng để dành vài cái bánh ít, đòn bánh tét đem qua cho Duyên. Thấy Duyên gật gù khen ngon, Tình hay cù cưa kiểu ngoại tui gói bánh ngon nhất Sài Gòn này luôn đó Duyên. Bữa nào rảnh rảnh, tui chở về học ngoại gói bánh.
Hổng biết Duyên hiểu ý Tình hay không, nhưng vài lần lắc đầu ngoày ngoạy rồi cũng thôi. Duyên mua cho Tình cái khẩu trang che mặt, dặn đi đường xa mà không che gì hết, khói bụi vào, dễ bệnh lắm đó. Đêm đêm hai đứa hay nhắn tin qua lại, Tình hỏi mấy chuyện xa xôi. Tỷ như nếu mà Duyên phải làm dâu tuốt tận Vườn Thơm, xa vậy, ngoài rìa thành phố vậy, có đành lòng không. Duyên chẳng trả lời trả vốn. Chỉ nhắn lại có một câu, kêu từ đó qua đây chạy có tầm bốn mươi lăm phút thì có xa gì đâu. Mỗi cái tin nhắn như thế, cũng khiến Tình đi vào giấc ngủ bình yên đến lạ.
Tình chở Duyên phố đèn lồng, người gốc Hoa tết là phải treo đèn lồng đỏ trước cửa nhà như một điều mong cầu qua năm sẽ vận đỏ tài lộc, mọi chuyện may mắn. Phố đông người chen cứng. Cả hai len lỏi vào một tiệm quen năm nào Duyên cũng ghé đến mua. Cô ấn vào tay Tình cặp đèn lồng, khi đã lựa chọn tỉ mỉ. Cặp đèn lồng vẽ chữ Hỉ dưới bông sen hồng. Chèn ơi, cái chữ này là... là...
Đêm Tình về, thỏ thẻ khoe với ngoại. Ngoại ơi chắc con thương người ta thiệt rồi ngoại. Người ta bán nhang. Con làm nhang. Mai mốt mà lấy về hổng lo đi kiếm mối chi cho mệt. Bạn hàng có bỏ mình đi lấy chỗ khác, thì mình cũng còn cái tiệm để không bị ứ hàng heng ngoại. Mà người ta cũng không sợ bị đứt hàng hay bị ép giá. Mình làm sao mình bỏ vậy, giá cả tính nhức đầu, cũng là người trong nhà không heng ngoại. Mấy cái đệm từ heng ngoại của Tình làm ngoại cười nắc nẻ.
5. Hai mươi tám tết, sắp xếp mớ bộn bề lo toan hàng hóa. Xưởng nghỉ, ngoại lại tổ chức nấu bánh tét. Bao năm rồi vẫn vậy, ngoại nấu cả hai trăm đòn, vừa vặn bốn nồi bánh lớn. Sáng ba chạy xuống tận chợ Ông Tạ mua lá dong, dây lạt. Má bắt đầu ngâm nếp, mấy dì mấy cô cứ dọn dẹp nhà cửa xong lại quây quần sên chuối, nấu đậu, làm nhân. Chập tối lại tíu tít í ới nhau kéo qua nhà Tình ngồi gói bánh. Bánh ngoại nấu chia cho cả xóm, mỗi nhà hai cặp, một đậu một chuối. Bạn hàng lấy mối thì ngoại cũng gởi một cặp chưng cúng mấy ngày tết. Phần còn lại, ngoại dành trong nhà, khách đến lại mang ra mời.
Bánh tét của ngoại ngon bởi nếp dẻo, nhân ngoại sên vừa lửa, chín vàng hươm chuối, đậu xanh vừa nở tới, quyện với khúc thịt mỡ và miếng trứng kho, nức danh cả khu Vườn Thơm. Năm nào cũng có người hỏi mua, mà ngoại lắc đầu không bán. Bánh tét Vườn Thơm cũng như nhang Vườn Thơm chỉ dành cho những ai biết thưởng thức, biết trân quý những thứ thuộc về truyền thống, những thứ mà giữa thời đại phát triển này con người ta dễ dàng lãng quên, dễ dàng bỏ nó mai một.
Có lần Tình hỏi ngoại nấu chi cực vậy, giờ ngoài chợ bán đầy, siêu thị chất đống. Tốn công tốn sức cũng chỉ là cái bánh tét. Ngoại ngồi têm vôi vào lá trầu non, quay sang nhìn Tình. Bậy nè con, bởi những đứa như bây mà cái tết giờ không còn thiêng liêng như xưa nữa. Nồi bánh tét nó chính là cái đẹp của tết mình. Nó gắn kết con người ta lại sau một năm trời vất vả. Gói bánh đâu chỉ là công là sức, là cái tình người gói vào trong từng đòn bánh. Là cái chộn rộn nao nức khi mùi bánh chín dậy lên bên đống lửa đỏ tí tách đêm khuya. Nồi bánh tét chính là cái không khí tết cổ truyền còn giữ lại được thì phải ráng mà giữ. Chừng như ngoại nè, mày mới thấy tiếc cái mùi tết nghen con…
Chiều đó, Tình xin ba mẹ Duyên đưa cô về vùng ngoại ô, cho cô thấy cái không khí tết nhà mình, cho cô ngồi xếp bằng tập gói bánh tét chung với ngoại. Cho cô gần gia đình Tình. Cho Duyên thấy giữa Sài Gòn vẫn còn một vùng biên giữ trọn cái nếp xưa. Ngoài cổng nhà ba bắt đầu dựng tre làm nêu ăn tết. Đầu nêu ba treo túi trầu cau. Bên hiên nhà, Tình bắc ghế treo cặp đèn lồng chữ Hỉ đỏ chon chót.
Gió luồn mấy tán bạch đàn, nước sôi réo rắt, mùi bánh chín quyện vào mùi nhang trầm tỏa khắp không gian.
Bình luận (0)