Hồng Kông củng cố vị thế kinh tế nhờ biến động từ Trung Quốc

23/09/2015 11:36 GMT+7

(TNO) Vị thế trung tâm tài chính châu Á của Hồng Kông có thể được tăng cường giữa lúc tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc giảm tốc.

(TNO) Vị thế trung tâm tài chính châu Á của Hồng Kông có thể được tăng cường giữa lúc tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc giảm tốc. Giới đầu tư đang kiếm tìm mảnh đất tiềm năng hơn nhằm thoát khỏi những biến động ở thị trường Đại lục.

Biến động ở thị trường Đại lục củng cố vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông - Ảnh: ShutterstockBiến động ở thị trường Đại lục củng cố vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông - Ảnh: Shutterstock

Theo CNBC, Hồng Kông đã nhận danh hiệu nền kinh tế cạnh tranh thứ nhì thế giới, sau Mỹ, trong bảng xếp hạng của Trung tâm Đánh giá Năng lực cạnh tranh thế giới (IMD) đưa ra hồi đầu năm nay. Đạt được vị trí này là nhờ các chính sách hiệu quả và thân thiện với giới doanh nghiệp của Hồng Kông, chẳng hạn như việc đánh thuế xuất khẩu bằng 0.

Daniel So, chuyên gia tại hãng Chứng khoán Quốc tế (CIMB), cho hay: “Biến động tại Đại lục sẽ nâng cao danh tiếng trung tâm tài chính quốc tế của đặc khu Hồng Kông. Đã từng có lúc, những mối lo ngại về việc Thượng Hải và Thâm Quyến sẽ vượt qua Hồng Kông khi Bắc Kinh tự do hóa thị trường vốn, song chúng tôi nhận định rằng hai thành phố trên chưa sẵn sàng để trở thành trung tâm tài chính”.
Sau khi bong bóng chứng khoán được bơm căng, đẩy chỉ số Shanghai Composite lên mức cao nhất trong vòng 7 năm vào hồi đầu tháng 6, rồi vỡ tung, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp giải cứu. Giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư cho hay các hành động của Đại lục là “chưa chín chắn”, cho thấy thị trường chứng khoán nước này vẫn còn khá non trẻ.
Trong khi đó, ông Daniel So cho hay đặc khu Hồng Kông vẫn đáp ứng đủ đầy những yêu cầu của các nhà đầu tư - những người kỳ vọng vào câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc.
Hồng Kông có nhiều điểm mạnh hơn so với Đại lục, đơn cử là chuyện quản trị doanh nghiệp. Đặc khu hành chính của Trung Quốc là nơi có điểm quản trị doanh nghiệp cao nhất châu Á, theo nghiên cứu năm 2014 của hãng CLSA. “Nếu không có những giá trị đó, về lâu dài, Hồng Kông có lẽ đã chẳng khác mấy so với Thượng Hải”, ông So nói.
Hơn thế, điều khiến Hồng Kông trở nên hấp dẫn trong mắt các công ty nước ngoài là sức mạnh của thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nửa đầu năm nay, Sàn chứng khoán Hồng Kông (HKEx) đã trở thành thị trường có số vốn huy động cho các đợt IPO lớn nhất thế giới khi đạt tổng cộng 17,3 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 8 lần so với Singapore.
“Tôi cho rằng điều làm Hồng Kông khác biệt với những trung tâm còn lại của khu vực châu Á là chúng tôi chuyên biệt hơn trong một số khía cạnh của thị trường tài chính”, K.C. Chan, đại diện từ Kho bạc và Dịch vụ tài chính Hồng Kông cho biết.
Nửa cuối năm nay, diễn biến tốt của các vụ IPO cũng sẽ không dừng lại tại đặc khu này. China Reinsurance - hãng đã thực hiện IPO từ tháng trước - có thể có thêm 2 tỉ USD trong quý 4/2015 còn China Huarong Asset Management - hãng mua lại nợ xấu lớn nhất Đại lục - được cho rằng sẽ huy động được 3 tỉ USD khi lên sàn vào cuối tháng 9 hoặc tháng 10. Hãng tư vấn KPMG dự báo 110 đợt IPO tại Hồng Kông sẽ gây được 26 tỉ USD trong năm nay, mặc cho những bất ổn của tình hình kinh tế thế giới.
Cuối cùng, giới kinh doanh cho rằng chính sách tài chính của Hồng Kông khá ổn định. Dù Bắc Kinh phá giá nhân dân tệ (CNY) hồi tháng trước, lo ngại về việc Hồng Kông cũng hạ giá đồng đô la Hồng Kông (HKD) của họ so với đô la Mỹ (USD) ít có khả năng xảy ra. Rất khó có khả năng Hồng Kông sẽ thả neo đồng bản tệ với USD.
Trước khả năng tăng lãi suất của Mỹ, đặc khu hành chính của Trung Quốc cũng tỏ ra khá bình tĩnh với 340 tỉ USD, tương đương 120% GDP, dự trữ ngoại hối. Dù vậy, tương lai chính trị của đặc khu này vẫn còn là một dấu hỏi và tương đối phức tạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.