Khơi yêu thương, tưới sức sống mới những năm cuối đời
Vị trí của Hồng Nhung với nhạc Trịnh vô cùng đặc biệt vì cô là bóng hồng duy nhất hát nhạc Trịnh thành công trong tâm thế của người tình nhân, khác với những ca sĩ còn lại, như lời cô nói: "Ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình".
Hồng Nhung cũng là người gắn bó với Trịnh Công Sơn trong suốt 10 năm cuối đời. Có lẽ vì vậy mà cách thể hiện nhạc Trịnh và những ấn tượng Hồng Nhung đem lại cho khán giả cũng thật khác biệt.
Trịnh Công Sơn từng nói: "Sau Khánh Ly, tôi may mắn tìm được Hồng Nhung, với ca khúc của tôi, Nhung có nhiều sự đồng cảm...". Bằng phát biểu này, Trịnh Công Sơn đã ngầm khẳng định Hồng Nhung là người hát nhạc Trịnh đứng thứ hai, chỉ sau Khánh Ly.
Đặc biệt hơn cả, sự xuất hiện của Hồng Nhung còn ảnh hưởng ngược lại tới sự thay đổi trong phong cách sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh. Đây là điều hiếm có ca sĩ nào làm được.
Hồng Nhung gặp Trịnh Công Sơn từ rất sớm, khi mới 21 tuổi, còn vị nhạc sĩ tài hoa đã bước vào tuổi xế chiều, với trái tim hằn lên nhiều vết thương của chia cách, tan vỡ, biệt ly và đi qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Chính sự trẻ trung, hồn nhiên và trong sáng, thuần khiết của cô gái mới lớn đã tưới dòng nước mát vào tâm hồn Trịnh Công Sơn, giúp ông khơi nguồn lại những khát khao sống, xúc cảm yêu thương mới với cuộc đời.
Nhờ đó, Trịnh Công Sơn tìm lại được cảm hứng sáng tác đã nguội lạnh, để viết nên chùm 3 ca khúc dành riêng cho Hồng Nhung: Bống bồng ơi (1993), Bống không là Bống (1995), Thuở Bống là người (1998). Cả 3 ca khúc đều là câu chuyện cổ tích về cô Bống Hồng Nhung, người đã đem lại nguồn sống trẻ trung cho Trịnh Công Sơn, là nơi ông gửi gắm một cách thầm kín những cảm xúc tình yêu trong sáng ở tuổi bên kia dốc cuộc đời.
Vì vậy, trong những ca khúc cuối đời này, Trịnh Công Sơn sử dụng ngôn từ và giai điệu vui tươi, trong sáng, tràn đầy yêu thương một cách tích cực, chứ không phải nỗi ưu tư, chiêm nghiệm, sầu não hay trào phúng như những giai đoạn trước đây. Và tất nhiên, vì viết riêng cho Hồng Nhung nên chỉ tiếng hát Hồng Nhung mới thể hiện được đúng màu sắc, tư tưởng của những ca khúc này một cách trọn vẹn nhất.
Mối quan hệ giữa Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn thật đặc biệt, như ông nói là: "Hồng Nhung là một người quá gần gũi không biết gọi là ai". Cả hai có sự gắn bó thân thiết với nhau trong một thời gian dài. Hơn nữa, Hồng Nhung lại là người thông minh, tinh tế, giỏi về ngôn ngữ, nên dù còn trẻ đã hiểu sâu sắc được ca từ nhạc Trịnh cùng nhiều tầng nghĩa ẩn giấu sâu thẳm để truyền đạt tới khán giả.
Năm 1993, Hồng Nhung cho ra mắt album nhạc Trịnh đầu tiên và vấp phải nhiều tranh cãi trong công chúng vì cách hát quá mới, khác hẳn những danh ca trước đó. Nhưng đích thân Trịnh Công Sơn khi đó đã khẳng định: "Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích, có người không thích. Tuy nhiên, tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với tiết tấu của thời đại - một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải kẻ nhắc tuồng từ quá khứ".
Là một đàn em đi sau, hát dòng nhạc đã in dấu nhiều tượng đài, nhưng Hồng Nhung vẫn thành công với lối đi riêng, đây là kỳ tích. Hồng Nhung là một trong những ca sĩ đầu tiên chịu làm mới nhạc Trịnh với lối hát "dương tính", giống như Trịnh Công Sơn từng nói: "Nhung đã thổi luồng gió mới vào các ca khúc của tôi, Nhung đã có cách xử lý riêng, rất nghệ sĩ".
Chưa dừng lại ở đó, với tư duy và sự sáng tạo của người nghệ sĩ trình diễn đích thực, Hồng Nhung còn sáng tạo nhạc Trịnh cả ở hình ảnh (trình diễn, nghệ thuật làm MV). MV Đóa hoa vô thường được cho là một trong những MV âm nhạc nghệ thuật dài hơi tiên phong đầu tiên của nhạc Việt, với nhiều tầng nghĩa, mà đến nay vẫn còn giá trị.
Giọng hát nội lực và những tiên phong đầy tinh tế
Hồng Nhung được xem là một nữ trung (mezzo soprano), nhưng theo người viết, cô gần với một dugazon (âm sắc quãng trung sáng nhưng ấm áp, quãng trầm tốt, hát với âm sắc của nữ trung và nữ cao nhẹ nhàng) hơn. Nhờ đó, Hồng Nhung thể hiện nhạc Trịnh với sự trong sáng, thuần khiết, tươi tắn như làn gió mới nhưng vẫn giữ được chiều sâu, chất trầm mặc, thiền tịnh vốn có.
Đặc biệt, Hồng Nhung còn là giọng hát nội lực, âm lượng lớn và giàu kỹ thuật. Những điều này tưởng như không thể hợp với nhạc Trịnh, vậy mà lại được nữ ca sĩ xử lý thật tinh tế. Vì vậy, cô đi tiên phong trong việc khoe vocal vào nhạc Trịnh nhưng không quá lố mà vẫn tinh tế, nâng tầm nhạc Trịnh lên một bậc học thuật trong nhạc nhẹ, được nhiều đàn em học hỏi.
Cô thường thêm thắt những đoạn biến tấu đầy cao trào, kỹ thuật vào ca khúc. Chẳng hạn như những đoạn head voice angelic legato trong bài Tôi ru em ngủ hay đoạn belting A4 dài hơi kinh điển trong Ru em từng ngón xuân nồng. Cách hát này đem lại những xúc cảm thăng hoa đầy mới lạ với khán giả khi nghe nhạc Trịnh, không bị nhàm chán, u uất, trầm mặc. Đôi khi, nó tạo nên cả những cơn bão cảm xúc, mang hơi thở của thời đại mới. Nhờ đó, nhạc Trịnh được phái sinh liên tục để sinh tồn trong đời sống âm nhạc bền bỉ, chứ không chỉ là bức tượng đài của quá khứ. (còn tiếp)
Bình luận (0)