Theo thông báo, họp báo sẽ diễn ra lúc 19 giờ. Vấn đề được phóng viên quan tâm là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt? Đường ống xả thải của Formosa có liên quan đến hiện tượng này không?
20 giờ 6 phút: Lãnh đạo Bộ TN-MT bước chân ra khỏi hội trường. Phóng viên không được nêu câu hỏi phỏng vấn.
19 giờ 57 phút: Họp báo chính thức bắt đầu. Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân chủ trì.
Ông Võ Tuấn Nhân cho biết, cuộc họp chiều nay có một số nhận định sơ bộ: “Cá chết trong những ngày qua có khả năng gây nên yếu tố an ninh trật tự, nhân dân hoang mang, lo lắng. Cơ quan báo chí trong tình huống này cần khách quan, đồng hành cùng cơ quan nhà nước xử lý hiện tượng này”.
Ông Nhân cho rằng: “Cá chết là hiện tượng phức tạp đã xuất hiện nhiều trên giới, đòi hỏi nhiều thời gian để tìm hiểu. Việc xác định nguyên nhân là đòi hỏi chính đáng của nhân dân, nhưng để tìm ra nguyên nhân thì phải có phân tích cơ sở khoa học, để xác định đúng". Ông Nhân cho biết, cuộc họp chiều nay, ngoài các nhà khoa học đầu ngành trong nước còn có thêm một nhà khoa học của Nhật Bản tham dự”.
Có 2 nhóm nguyên nhân dẫn tới cá chết
Ông Nhân cho biết, các cơ quan thống nhất nhận định sơ bộ có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn tới cá chết: Thứ nhất là do độc tố hoá học thải ra từ các phương tiện, con người trên biển. Thứ hai là thời tiết, do tác động của các yếu tố tạo nên tảo độc, thuỷ triều đỏ.
“Chưa có bằng chứng để xác định Formosa và cảng Vũng Áng có liên quan đến cá chết”, ông Võ Tuấn Nhân nói.
Ông Nhân cho biết, trong thời gian sớm nhất, Bộ NN-PTNT sẽ đưa ra các khuyến cáo, trên cơ sở đó, các địa phương sẽ đưa ra các hoạt động khôi phục sản xuất, du lịch, tắm biển.
19 giờ 51 phút: Đại diện lãnh đạo Bộ TN-MT bước vào hội trường, bắt đầu cuộc họp báo.
19 giờ 33 phút: Đã quá thời gian họp báo như thông báo hơn nửa tiếng, nhưng chưa thấy lãnh đạo Bộ TN-MT và các nhà khoa học xuất hiện. Trong khi bên trong hội trường, hàng trăm phóng viên đang chờ đợi.
Theo dự kiến trước đó, cuộc họp báo sẽ được tổ chức vào buổi chiều, sau khi Bộ TN-MT họp với các đơn vị liên quan về hiện tượng cá chết.
Vì thế, từ 13 giờ 30, cả trăm phóng viên báo chí trong và ngoài nước đã có mặt trước cổng Bộ TN-MT để chờ thông tin về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở một số tỉnh miền Trung những ngày qua.
Phóng viên chờ đợi tại Bộ TN-MT trước giờ họp báo Ảnh: Ngọc Thắng
Hiện tượng cá biển chết hàng loạt tại miền Trung được phát hiện từ ngày 6.4, tại xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ngày 7.4, cá biển và cá nuôi chết hàng loạt lan rộng ra các xã Kỳ Hà và Kỳ Ninh của thị xã Kỳ Anh.
Ngày 10.4, cá biển chết lan vào xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đến ngày 19.4, cá biển chết dạt vào trắng bờ thuộc các xã Quảng Tùng, Quảng Phú (huyện Quảng Trạch).
Ngày 15.4, cá biển chết lan vào vào tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 19.4, tỉnh Quảng Trị cũng ghi nhận hiện tượng này, xảy ra dọc bãi biển dài khoảng 20 km thuộc huyện Vĩnh Linh.
Cá chết dạt vào bờ biển ở miền Trung
Ngày 19.4, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) đến Hà Tĩnh kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Báo cáo của đơn vị phân tích mẫu nước biển cho biết, cá chết là do chất độc gây ra nhưng chưa xác định đó là chất gì.
Ngày 23.4, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vào Hà Tĩnh kiểm tra, họp với 4 tỉnh có cá chết. Trả lời báo chí bên lề cuộc họp, lãnh đạo Bộ TN-MT giải thích ống xả thải của Formosa đã được Bộ này cấp phép.
Ngày 24.4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến Hà Tĩnh thị sát hiện tượng cá chết. Phó thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng phải sớm tìm ra nguyên nhân cá chết và “sẽ xử lý nghiêm nếu cá nhân, tổ chức nào gây ra, không loại trừ trường hợp nào”, đồng thời có phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Nhiều bạn đọc nêu ý kiến phải hành động ngay để biển không biến thành “biển chết”, đồng thời tìm ra nguyên nhân cá biển bị chết hàng loạt, sau khi đọc các bài Điêu đứng vì “biển chết”! và Không hy sinh môi trường đăng trên Thanh Niên ngày 21.4.
Bình luận (0)