Hợp đồng liên kết tay ba trái quy định

01/12/2014 08:50 GMT+7

Từ năm 2011 đến nay, Trường ĐH Tài chính - Marketing đã “trao quyền” cho Viện Nghiên cứu kinh tế tài chính (IEFS) tổ chức tuyển sinh và tham gia đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh - chương trình liên kết với Trường ĐH HELP (Malaysia). Việc làm này trái quy định của Bộ GD-ĐT.

Hợp đồng liên kết tay ba trái quy định
Nơi IEFS (phòng 103B, nhà A, số 10 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM) đào tạo chương trình liên kết với HELP mà Trường ĐH Tài chính - Marketing xin phép Bộ GD-ĐT. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Xin phép liên kết rồi chuyển đơn vị khác thực hiện

Trong Quyết định số 3899 ngày 31.8.2011, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã cho phép Tài chính - Marketing và HELP thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Theo đó, quy mô 40 sinh viên mỗi khóa (tuyển sinh 2 khóa/năm) đào tạo tại Tài chính - Marketing (306 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Tân Bình, TP.HCM). Kinh phí đào tạo do người học đóng góp, cụ thể là 9.900 USD/học viên. Cũng trong quyết định này, Bộ yêu cầu hai bên liên kết có trách nhiệm tuân thủ pháp luật VN và thực hiện đúng với những cam kết và kế hoạch được trình bày trong hồ sơ xin cấp phép đã nộp cho bộ này.

Trước đó, để làm hồ sơ xin phép Bộ thực hiện chương trình này, hai trường trên đã ký thỏa thuận hợp tác theo Hợp đồng số 84963-D vào ngày 11.4.2011. Theo thỏa thuận, HELP chịu trách nhiệm cung cấp chương trình đào tạo và giáo trình, cử giảng viên có trình độ sang giảng dạy. Còn Tài chính - Marketing chịu trách nhiệm quảng bá, tuyển sinh, thu nhận hồ sơ và học phí; tiến hành giảng dạy, cung cấp trang thiết bị dạy học, cung cấp phương tiện vận chuyển cho giảng viên thỉnh giảng của HELP.

Tuy nhiên, cũng chính trong ngày ký thỏa thuận hợp tác trên, một hợp đồng hợp tác 3 bên mang số 84964-D đã được ký giữa Tài chính - Marketing, HELP và IEFS. Theo đó, các bên đồng ý thực hiện chương trình hợp tác đào tạo mà phụ lục hợp đồng ghi rõ là chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh tiếng Anh có hỗ trợ tiếng Việt. Đặc biệt, cũng tại hợp đồng này, địa điểm tiến hành chương trình bên cạnh hai trường ĐH trên còn có thêm địa chỉ của IEFS (đăng ký tại 42/46 E2 Tôn Thất Thiệp, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Theo điều khoản hợp đồng, IEFS có chung trách nhiệm với Tài chính - Marketing tương tự trách nhiệm của trường này trong Hợp đồng số 84963-D.

“Thấy trường khác làm được nên làm theo”

Vừa qua, trong kết luận về Trường ĐH Tài chính - Marketing, Bộ Tài chính nêu rõ: “Bộ GD-ĐT cấp phép cho hai trường ĐH Tài chính - Marketing và ĐH HELP thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế trường lại phối hợp với IEFS để cùng tuyển sinh, triển khai đào tạo. Trong đó, IEFS đóng vai trò chính trong thực hiện và hưởng thụ phần lớn nguồn thu (IEFS hưởng 85%, Tài chính - Marketing hưởng 15% sau khi chi trả cho HELP)”.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Lương Minh Cừ, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: “Thời điểm đó cơ sở vật chất trường chưa tốt, lại chưa có chương trình liên kết quốc tế nào nên mới đồng ý thực hiện. Thấy trường khác làm được nên chúng tôi làm theo, thực tình không biết mình đã làm sai”.

Về cách thức chia phần trăm nguồn thu 3 bên, ông Cừ lý giải: “Theo phụ lục hợp đồng được ký giữa 3 bên, HELP hưởng 50% nguồn thu, IEFS 35% và Tài chính - Marketing chỉ hưởng 15%. Điều này xuất phát từ trách nhiệm công việc của các bên theo thỏa thuận. HELP cung cấp chương trình, tham gia đào tạo và cấp bằng. IEFS chịu trách nhiệm quảng bá, thu nhận hồ sơ và học phí, cung cấp phòng học, quản lý học viên, trả tiền trợ giảng cho giảng viên VN, lo đưa đón và ăn ở cho giảng viên của HELP khi giảng dạy tại VN. Còn Tài chính - Marketing lo thủ tục pháp lý, thành lập hội đồng phỏng vấn tiếng Anh và tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh đầu vào, cử giảng viên trợ giảng…”. Tuy nhiên, theo biên bản kiểm tra chương trình này của Bộ Tài chính, sau khi nộp cho HELP 50% nguồn thu học phí, phần còn lại được chia theo tỷ lệ: Tài chính - Marketing 15%, IEFS 82% và dự phòng 3%.

PGS-TS Trần Hoàng Hậu, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, khẳng định: “Động cơ và cách thức trường thực hiện chương trình liên kết này hoàn toàn không phải là “bán” giấy phép. Ban đầu, tự lực chúng tôi không làm được nên phải dựa vào một đơn vị khác để gầy dựng chương trình hợp tác quốc tế”. Tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, Phó hiệu trưởng trường này nói thêm: “Nếu bán giấy phép, chúng tôi không cần dính dáng đến quá trình tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng. Còn thực tế, chúng tôi có phối hợp tham gia tất cả các khâu này”. Ông Thái cũng cho hay trường sẽ đề xuất ngưng chương trình này trước thời hạn, chấp nhận chịu phạt để không gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của trường.

Từ năm 2011 đến nay, chương trình liên kết này đã tuyển sinh và đào tạo được 5 khóa với tổng số 155 học viên. Tất cả học viên đều học tại cơ sở của IEFS (viện này thuê tại Học viện Hành chính quốc gia, số 10 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM).

Thanh tra Bộ đang xử lý vụ việc

Trao đổi với Thanh Niên, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Vang cho biết thanh tra của Bộ đang trong quá trình xử lý vụ việc này. Cũng theo ông Vang, tại quyết định phê duyệt chương trình liên kết đào tạo, Bộ đã quy định rõ các điều kiện về đối tượng tuyển sinh, chương trình đào tạo, địa điểm đào tạo, giảng viên tham gia giảng dạy, văn bằng sẽ cấp... Trách nhiệm các bên phải thực hiện đúng quyết định đó, nếu có những nội dung cần điều chỉnh theo thực tế phải báo cáo Bộ xem xét điều chỉnh. Sau khi có kết luận thanh tra, việc xử lý sai phạm (nếu có) sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Hà Ánh

>> Ngưng mở lớp liên kết đào tạo sai quy định
>> Thanh tra hoạt động liên kết đào tạo
>> Lại liên kết đào tạo quốc tế không phép

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.