Hy vọng những vụ việc tranh chấp xảy ra tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM thời gian qua sẽ không còn với sự ra đời của Điều lệ trường ĐH - Ảnh: Công Nguyên |
Sẽ giải quyết mâu thuẫn của trường tư ?
|
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết điều lệ lần này rất nhiều điểm mới, hy vọng sẽ giải quyết được mâu thuẫn của các trường ĐH tư thục.
Một điều rất quan trọng trong điều lệ là chính thức quy định loại hình trường ĐH không vì lợi nhuận với những điểm rất cụ thể về điều kiện, quy trình thành lập, việc cam kết, chính sách hỗ trợ… Loại hình trường này sẽ không có đại hội cổ đông mà là đại hội toàn trường gồm thành viên góp vốn, HĐQT, ban kiểm soát, giảng viên...
Điều lệ quy định muốn chuyển sang loại hình không vì lợi nhuận phải có biên bản họp đại hội đồng cổ đông thông qua việc chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận. Biên bản này phải được sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, trừ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường có quy định tỷ lệ này cao hơn.
Lâu nay, ở nhiều trường tư thục vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa hiệu trưởng và HĐQT. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điều lệ lần này quy định chi tiết quyền hạn, nhiệm vụ của thành viên góp vốn, cổ đông, hiệu trưởng cũng như HĐQT. Mỗi người sẽ phải làm theo quyền hạn của mình mà không “lấn sân” như lâu nay.
Điều lệ này thay thế hoàn toàn các quyết định 61, 63, 58 trước đó để nối tiếp nội dung của Nghị định 141 quy định về tài sản chung không chia và quyết định HĐQT toàn quyền sử dụng linh hoạt, quản lý trên nguyên tắc bảo toàn, phát triển.
Xác định rõ hướng phát triển
|
Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng Điều lệ trường ĐH mới có những quy định dung hòa lợi ích của nhiều phía.
Ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Văn Lang cho biết điều lệ đã có nhiều điểm tiến bộ so với trước. Chẳng hạn không đưa khối tài sản chung không chia vào vốn điều lệ là đúng đắn. Nếu đưa vào vốn điều lệ, tài sản này ngày càng lớn, nhà đầu tư dần dần sẽ không còn gì. HĐQT được giao quản lý tài sản này cũng là điểm mới rất thuận lợi để ổn định nhà trường. Việc phân rõ 2 loại hình vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận cũng sẽ giúp cho các trường xác định rõ con đường phát triển của mình.
PGS Lê Văn Lý, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho rằng từ thời điểm nảy sinh mâu thuẫn trong trường đến nay, tranh chấp nội bộ chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn đến từ các quy định của nhà nước về hoạt động của trường tư thục cũng như một số chỉ đạo không hợp lý. Ngay từ khi thành lập, trường đã xác định mục tiêu bất vụ lợi. Nếu có điều kiện hoạt động theo con đường không vì lợi nhuận thì trường đã không rơi vào hoàn cảnh như lúc này. Thành phần HĐQT lúc ấy nếu được xác định rõ ràng hơn thì tình cảnh cũng đã sáng sủa hơn.
Theo thạc sĩ Đỗ Thế, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phan Châu Trinh, đây là điều nhà trường chờ đợi từ lâu lắm rồi. Điều lệ sẽ là hành lang pháp lý giúp trường tiếp tục lựa chọn hoạt động không vì lợi nhuận.
Hiệu trưởng một trường ĐH đang muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận cho biết rất ủng hộ điều lệ. Lần đầu tiên, trong một văn bản của nhà nước có hẳn một chương bao gồm nhiều nội dung dành riêng cho trường ĐH không vì lợi nhuận. Đây là bước tiến nhảy vọt trong việc thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cho trường không vì lợi nhuận hoạt động, so với trước đây.
Đăng Nguyên
>> Buông lỏng quản lý trường ĐH, CĐ ngoài công lập
>> Trường ngoài công lập: Thiếu chính sách làm đòn bẩy phát triển
>> Thêm trường ĐH ngoài công lập được đào tạo tiến sĩ
>> Trường ngoài công lập chật vật tuyển sinh
>> Nhiều trường ĐH ngoài công lập đào tạo cao học
Bình luận (0)