Hộp thư tư vấn 24/7: Ngành quản trị - luật khác ngành luật như thế nào?

24/02/2017 15:47 GMT+7

Ngành quản trị luật khác với ngành luật như thế nào? Học quản trị luật tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu? (Tuấn Hải, Trường THPT Di Linh, Đức Trọng, Lâm Đồng)

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Phó khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM: Nếu ngành luật chỉ đào tạo theo các chuyên ngành luật thương mại, luật dân sự, luật hình sự, luật hành chính - nhà nước và luật quốc tế thì ngành quản trị - luật sẽ đào tạo cả hai lĩnh vực quản trị và luật.
Ngành luật có thời gian đào tạo là 4 năm còn quản trị - luật có thời gian đào tạo là 5 năm. Khi tốt nghiệp ngành luật, sinh viên sẽ được cấp 1 bằng cử nhân luật, còn ngành quản trị - luật sinh viên sẽ được cấp 2 bằng cử nhân quản trị và cử nhân luật.
Học quản trị - luật, sinh viên có thể làm việc trong hệ thống các cơ quan nhà nước như: tòa án, kiểm sát, công an (an ninh, cảnh sát), quân đội (các toà án quân sự, viện kiểm sát quân sự), kiểm lâm, thuế, ngân hàng, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân… hoặc giảng dạy pháp luật tại các ĐH, CĐ, trung cấp... Hoặc làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước, công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc làm việc trong các phòng công chứng, thừa phát lại hoặc hành nghề luật sư…

Em thấy mọi năm Trường ĐH KHXH-NV yêu cầu điểm trung bình năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 phải được 6,5 trở lên. Vậy năm nay còn yêu cầu như vậy không? Nếu em không đủ thì có cơ hội vào trước không? (Nguyễn Hoài Nam, Trường THPT Nguyễn Du, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường năm 2017 là em phải đảm bảo có điểm trung bình tổng cộng 3 năm (lớp 10, 11 và 12) đạt từ 6,5 trở lên. Nếu như em không đảm bảo điều kiện trên, hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học của em sẽ không hợp lệ.

Cho em hỏi ngành công tác xã hội của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đào tạo những kiến thức gì và cơ hội nghề nghiệp ra sao?
Thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Hiện nay, ngành công tác xã hội của trường đào tạo theo 3 chuyên ngành: Tham vấn, phát triển cộng đồng và công tác xã hội. Học ngành học này em được trang bị các kiến thức về công tác xã hội với cá nhân và nhóm, an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, tham vấn tâm lý và các lĩnh vực của công tác xã hội…
Sau khi tốt nghiệp, tùy theo chuyên ngành em có thể làm việc tại các vị trí sau: Nhân viên xã hội tại các cơ sở xã hội; điều phối viên chương trình, dự án; quản lý các trung tâm, nhà mở, các dịch vụ xã hội; làm việc tại các công ty, xí nghiệp, bệnh viện, các cơ quan đoàn thể, xã hội. Ngoài ra, có thể tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH, học viện, trung tâm nghiên cứu.
Hộp thư tư vấn 24/7 sẽ giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh xung quanh kỳ thi THPT quốc gia 2017, xét tuyển ĐH-CĐ và những băn khoăn về chựa chọn ngành nghề. Thông tin đăng tải liên tục tại địa chỉ www.thanhnien.vn và trên báo in các ngày thứ ba, năm và bảy. Bạn đọc có thể gửi thắc mắc qua thư điện tử tại địa chỉ [email protected] hoặc qua bưu điện tới địa chỉ: Chuyên mục Hộp thư tư vấn 24/7, Ban Giáo dục Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.