Thông tư 06 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 39/2026 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có công văn đề nghị NHNN khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 06/2023 để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp (DN).
Cụ thể, HoREA đề nghị bỏ "khoản 8 điều 8" quy định TCTD không được cho vay "Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom".
Trong cả nước có khoảng 67 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ chiếm khoảng 0,16% và có khoảng 9 DN BĐS là công ty cổ phần đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom, chỉ chiếm khoảng 0,02% trong tổng số hơn 40.000 DN BĐS trong cả nước. Điều này có nghĩa, đa số các DN BĐS có nhu cầu tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân, trong đó có nguồn vốn mà các nhà đầu tư vay của TCTD, nhưng "khoản 8 điều 8" quy định TCTD không được cho vay đối với các nhà đầu tư này. Như vậy là chưa đảm bảo tính bình đẳng giữa đa số các DN, các DN dù có niêm yết hay không cũng cần phải được đối xử bình đẳng.
Tương tự, HoREA kiến nghị sửa đổi quy định khoản 9 điều 8 quy định TCTD được cho vay đối với nhu cầu vốn "để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư đã có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện" thay vì "dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh". Khi có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn, chủ yếu là chi phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tạo lập quỹ đất dự án. Đến giai đoạn thực hiện dự án cũng là lúc chủ đầu tư cần vốn. Đến giai đoạn hoàn thành đưa dự án vào khai thác kinh doanh thì chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn tín dụng hoặc huy động vốn của nhà đầu tư vì đã huy động được vốn của khách hàng.
Khoản 9 điều 8 đã "bít đường" vay tín dụng đối với nhà đầu tư muốn vay để đầu tư vào các dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị ngay tại thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn nhiều nhất để triển khai thực hiện xây dựng các công trình của dự án. Quy định này không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh BĐS thuộc "ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện", mà còn tác động "tiêu cực" đến đầu tư phát triển nói chung. Vì "khoản 9 điều 8" áp dụng đối với mọi dự án đầu tư, nên một số dự án đầu tư khác dù "đã có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện" nhưng "không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" cũng sẽ bị rơi vào trường hợp TCTD không được cho vay. Chẳng hạn, các trường hợp nhà đầu tư muốn vay tín dụng để đầu tư vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thực hiện các công trình hạ tầng, cầu đường, cảng, sân bay, nhà máy phát điện, bệnh viện, trường học, nông, lâm, ngư nghiệp…
Ngoài ra, HoREA đề nghị sửa đổi "khoản 10 điều 8" quy định "các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 24 (hoặc 36) tháng tính đến thời điểm TCTD quyết định cho vay" thay vì dưới 12 tháng theo Thông tư 06. Việc sửa này nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn thị trường BĐS do "vướng mắc pháp lý" chiếm đến 70% khó khăn nên dự án bị "dừng" thực hiện chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà không phải do lỗi của DN.
Giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM cao gấp 32 lần thu nhập người dân
Bình luận (0)