'Hốt' bạc tỉ nhờ trồng sen trên ruộng chiêm trũng

19/06/2023 08:41 GMT+7

Sau thời gian cải tạo 50 ha ruộng chiêm trũng của người dân thành đầm trồng sen rộng lớn, đến nay gia đình anh Lã Quang Khanh (48 tuổi, trú xã Đại Thịnh, H.Mê Linh, Hà Nội) có thể thu về hàng tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm.

Từ lỗ hơn 300 triệu đồng…

Những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa giữa tháng 6 cũng là lúc khu đầm trồng sen rộng 50 ha của gia đình anh Lã Quang Khanh vào thời điểm chính vụ. Để kịp thu hoạch, mỗi ngày anh Khanh cùng hàng chục công nhân phải thức dậy từ 4 giờ ra đầm, dùng thuyền để hái hoa sen.

“Hốt” bạc tỉ nhờ trồng sen trên ruộng chiêm trũng - Ảnh 1.

Nhân công của gia đình anh Khanh hái hoa sen trên đầm vào cuối buổi chiều

Đình Huy

Mỗi ca thu hoạch sen kéo dài khoảng 3 - 4 giờ, một ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Trong hàng chục nghìn bông sen được công nhân mang về chế biến, hoa sen hái lúc sáng sớm để ướp trà và lấy đài ngâm rượu, còn hoa sen hái buổi chiều được bán cho các thương lái đưa về nội thành tiêu thụ.

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Lã Quang Khanh cho biết, hiện đầm sen của anh chủ yếu là loài sen bách diệp, giống sen nổi tiếng được trồng ở hồ Tây (Q.Tây Hồ, Hà Nội). Dù chất lượng hoa sen không giống hết được hoa sen ở hồ Tây nhưng cũng phải đạt từ 70 - 80%.

Anh Khanh kể cách đây khoảng 26 năm, anh từng gắn bó với nghề trồng hoa hồng, hoa cúc (nghề truyền thống của người dân Mê Linh) rồi làm đủ nghề kiếm sống. Trong lúc buôn bán, kinh doanh, anh thấy khu vực đất ruộng gần nhà rất rộng nhưng chiêm trũng, người dân mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa rồi bỏ không. Thậm chí, do công việc vất vả, không có lợi nhuận nên có người còn bỏ hoang ruộng nhiều năm, cỏ mọc um tùm.

"Tôi có máu kinh doanh nên khi nhìn vùng đất chiêm trũng này, tôi nghĩ ngay đến việc có thể cải tạo để trồng hoa sen. Năm 2016, có vài người bạn ở Q.Tây Hồ giới thiệu cho tôi về giống sen trồng ở hồ Tây khiến tôi rất thích thú, hào hứng", anh Khanh kể.

Trong đầu anh Khanh lúc này nghĩ ngay đến việc tiêu thụ hoa sen có thể sẽ rất thuận lợi vì khu vực đầm sen cách nội thành Hà Nội không xa. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm việc, hàng loạt khó khăn ập đến.

Để thuê được đất ruộng, anh Khanh phải nhờ trưởng thôn thông báo cho các hộ dân có ruộng ở cánh đồng hoang thôn Liễu Trì và Hạ Lôi (đều thuộc xã Đại Thịnh) ra hội trường họp để đàm phán mức cho thuê lại. Ban đầu, chỉ có khoảng 200 hộ đồng ý cho thuê với tổng diện tích hơn 20 ha.

Năm 2017, anh Khanh bắt đầu vụ sen đầu tiên nhưng thất bại, thua lỗ hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, anh quyết không bỏ cuộc rồi bắt tay nhân rộng mô hình.

Nhận ra sen hồ Tây hợp với thổ nhưỡng, phát triển xanh tốt, hoa đẹp, đạt yêu cầu nên anh quyết định mua giống về trồng số lượng lớn. Sau đó, anh tiếp tục đàm phán với các hộ dân có ruộng bỏ hoang và thuê được tổng diện tích hơn 50 ha như hiện nay để trồng sen. Có một diện tích phù hợp và quyết tâm, những năm sau đó anh Khanh đã thành công và thu lãi trên dưới 1 tỉ đồng mỗi năm. Để không bỏ phí khoảng thời gian sen lụi (những tháng cuối năm), anh Khanh thả xen canh các loại cá lóc, cá trắm đen trong đầm, gia tăng giá trị kinh tế.

… đến thu lời vài tỉ đồng

Đầm sen của gia đình anh Khanh trồng 3 loại sen chính là bách diệp hồng (chuyên dùng để ướp chè); bạch liên trắng và quan âm trắng (dùng để cắm trang trí). Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sen được mùa, nở đẹp. Anh dự kiến đầm sen đạt khoảng 1 triệu bông hoa, giá trung bình 2.500 đồng/bông.

"Trước đây đa số tôi bán hoa nhưng gần đây, lượng khách quen đặt chè sen mỗi năm một nhiều nên tôi tăng số lượng dần dần; dự kiến, năm nay ướp khoảng 5 tấn chè Thái Nguyên để cung ứng ra thị trường cho khách hàng", anh Khanh nói.

Người đàn ông 48 tuổi cho biết thêm, hiện gia đình anh có khoảng 30 nhân công hái và làm chè sen. Sau khi hái sen xong, các nhân công sẽ cho khoảng 20 g chè vào từng bông sen rồi gói lại bằng lạt. Trong buổi sáng sớm phải buộc xong hoa sen ướp chè, cắm vào trong nước, nuôi chúng qua đêm, sớm hôm sau mới cắt rời cuống ra, hút chân không, cho vào cấp đông bảo quản, sấy lạnh -50 độ C trong vòng 48 giờ.

"Những bông hoa sen để ướp trà tốt nhất phải được hái vào buổi sáng sớm. Khi đó, những đóa hoa này vừa chớm nở, đã trải qua một đêm ngậm sương, hút khí của đất trời nên mùi hương của hoa sen càng đậm. Còn loại chè thích hợp để ướp nhất là chè Tân Cương của Thái Nguyên, mỗi kg chè cần khoảng 50 bông sen", anh Khanh chia sẻ và cho hay, mỗi bông chè hoa sen nếu bảo quản đúng cách có thể để được 1 - 2 năm.

Ngoài bán hoa và chè sen, anh Khanh còn mở cửa đầm sen đón khách tham quan với mức phí 30.000 đồng/người.

"Tôi yêu thích và muốn gắn bó với công việc này. Một số người dân nơi khác cũng đến học hỏi kinh nghiệm nhưng không có diện tích lớn như đầm sen của tôi. Hơn nữa, hoa sen cũng dựa nhiều vào thổ nhưỡng từng khu vực để cho ra hương vị và chất lượng hoa khác nhau", anh Khanh nói thêm, và tiết lộ tổng các nguồn thu, trung bình mỗi năm, đầm sen mang về cho gia đình anh vài tỉ đồng lợi nhuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.