Khi chưa có “mặt bằng” kinh doanh ổn định, họ bán hủ tiếu trên xe đẩy, đẩy vào từng ngõ ngách bán từ chiều tối tới khuya.
Những ông chủ xe hủ tiếu gốc Hoa thời trước cũng gõ lốc cốc, lách cách như bây giờ, chỉ khác ở chỗ họ dừng xe tại một điểm cố định trong xóm, bán hết hẻm này mới sang hẻm khác.
Phải công nhận dù là hũ tiếu gõ nhưng cực kỳ chất lượng, đơn giản vì họ vẫn lấy giá bằng hoặc rẻ hơn một chút so với hủ tiếu tiệm chứ không theo giá bình dân như bây giờ.
Hồi còn nhỏ tôi ở hẻm Nam Tiến, Q.4, biết một ông chủ hủ tiếu gõ tên A Chảy người Hoa, ăn riết quen mặt thuộc tên A Chảy ngoài nghề bán hủ tiếu gõ còn có nghề phụ câu lươn. Thời ấy lươn sẵn lắm, ông câu lươn vào buổi sáng, buổi chiều đẩy xe đi bán hủ tiếu gõ. Chẳng biết có phải câu lươn về nấu nước lèo không mà hủ tiếu gõ của A Chảy ngon cực kỳ.
Hủ tiếu gõ Sài Gòn ngày nay lại xuất phát từ… miền Trung, những người “xứ nẫu” ở tận phương xa vào Sài Gòn hành nghề, tạo nên một phong cách ẩm thực bình dân mang tính cộng đồng cao.
Người ta bảo rằng người đầu tiên bắt chước mấy ông chủ gốc Hoa bán hủ tiếu gõ nhưng đã phát triển nghề này lên “tầm cao mới” là anh Triêm quê ở thôn Mỹ Trang, xã Phú Cường, H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Anh Triêm sau khi rời quê vào Sài Gòn thử nghiệm nghề bán hủ tiếu gõ thành công đã về làng rủ bà con thân thuộc, bạn bè, hàng xóm cùng vào khuếch trương nghề. Hiện thôn Mỹ Trang có nhiều người nhập cư Sài Gòn bán hủ tiếu gõ nhất xứ miền Trung, có nhà đi gần hết chỉ còn người già ở lại. Không chỉ nam giới là trẻ con, thanh niên, trung niên, người lớn tuổi mà cả phụ nữ đã lập gia đình, thanh thiếu nữ cũng rủ nhau đi bán hủ tiếu gõ đất Sài Gòn.
Nói đến ẩm thực Sài Gòn thì cơ man các món ăn sang trọng, nhưng hủ tiếu gõ là “phong cách” ẩm thực đặc trưng của người xa xứ: công nhân, sinh viên, học sinh, người lao động đủ mọi ngành nghề ở các nơi tụ về sinh sống.
Chỉ một món tiền nhỏ giữa thời bão giá, nhưng tô hủ tiếu gõ khiêm tốn chất lượng có thể “cứu đói” tức thời cho người thu nhập thấp, người làm việc ban đêm. Hình ảnh chiếc xe hủ tiếu gõ lọc cọc đẩy vào xóm cùng tiếng rao với âm thanh đặc trưng lốc cốc, lách cách giòn tan trong đêm khuya, nhất là những đêm mưa, đã thành dấu ấn kỷ niệm của biết bao người khi nhớ về Sài Gòn dù mai này có đi bất cứ nơi đâu, ở đâu.
Từ Kế Tường
>> Sài Gòn năm ấy - Kỳ 5: Hủ tiếu chú Quẩy
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 25: Hủ tiếu bà Năm Sa Đéc
>> Hủ tiếu lòng
Bình luận (0)