|
Dù không có ý cổ xúy cho những hủ tục trong hôn nhân ở vùng cao nhưng tôi vẫn tin rằng, ít nhiều trong đó, những cặp nam nữ ấy vẫn có tình yêu khi đến với nhau. Chỉ có điều tình yêu của họ khác người hoặc cách thể hiện tình yêu ấy có đôi phần kỳ lạ.
Một ông, vài bà...
Chúng tôi đã nhận vài lời từ chối khéo khi liên hệ với một số lãnh đạo các xã vùng cao của H.Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) trong quá trình thu thập tài liệu viết bài này. Ai cũng gồng lên nói: “Hồi xưa tê, bữa ni mần chi có nữa...”.
Từ ngàn năm trước, ai cũng biết thân phận của người phụ nữ đồng bào Pa Kô, Vân Kiều là bé mọn, họ phải quăng quật trên nương rẫy để kiếm cái ăn. Câu “đàn ông ở nhà, đàn bà lên rẫy” khắc họa một cách chân thực tình cảnh của họ nơi đây. Và khi quyền lực đàn ông lấn át, họ có thể lấy thêm vợ. “Ngày xưa, lấy bao nhiêu vợ mà chả được, chỉ cần có tiền... Thậm chí cho đến ngày nay, chỉ có những đứa con nhà có điều kiện mới dám lấy thêm vợ”, Hồ Văn Tường (một cựu chiến binh tuổi 65 đang sống thôn Đá Bàn, xã Pa Nang) nói, giọng phớt đời.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Hồ Văn Liên (47 tuổi, trú thôn Đá Bàn) thì bắt gặp người vợ đầu của anh là chị Hồ Thị Lay (41 tuổi) đang hì hục giã gạo trước sân. Anh Liên từ trên cầu thang nói vọng xuống: “Vợ hai của mình (Hồ Thị Ran, 36 tuổi) đi rẫy rồi. Phải chia ra chứ, người ở nhà làm việc nhà, chăm con thì người khác phải lên nương”. Ngồi xếp bằng khá trịch thượng ở giữa nhà, tay lủng lẳng chiếc đồng hồ vàng chóe, anh Liên kể chị Lay cưới anh từ năm 1986 còn chị Ran đồng ý theo anh vào năm 1994 khi giữa anh và chị Lay đã có 2 mặt con. “Mình đi chơi đêm gặp Ran. Dù biết mình đã có gia đình nhưng Ran vẫn thương nên cùng theo về. Mình đã làm lễ cưới với Ran đàng hoàng không khác gì vợ đầu”, anh Liên nói.
Và dù sống cảnh hai vợ, một chồng dưới một nóc nhà, ăn chung một nồi cơm nhưng theo ông Hồ Văn Lâm (80 tuổi, bố của anh Liên) thì hầu như giữa họ chưa hề có tiếng chì tiếng bấc. Được đà, anh Liên cho rằng sỡ dĩ có được chuyện đó là vì anh đã phân chia tình yêu rất... đều. “Bà nào mình cũng thương như nhau. Mỗi tối, mình đều nằm chung với con ở giữa nhà để không ai tị nạnh”, anh Liên nói. Còn chị Lay, dù phải “chia chồng” nhưng vẫn nói cứng với tôi rằng: “Có thêm em Ran, công việc gia đình được chia sẻ, mình đỡ vất vả nên mình không buồn”.
Cũng không biết ba con người này yêu nhau đến mức độ nào nhưng kết quả của “mối tình tay ba” là khá... khủng khiếp. Họ có 14 người con, trong đó 2 đứa trẻ đã chết, nay còn 8 trai 4 gái và chia đều 6 đứa mỗi bà. Việc đẻ dày đến độ lũ nhóc chỉ cao sêm sêm nhau và bố của chúng là anh Liên đã không thể nhớ hết tên khai sinh của tất cả. “Vợ đông, con nhiều nên mình luôn phải lao động nhiều hơn các nhà khác. May mà hiện nay nhà mình có 1ha lúa nước, 7ha rừng tràm và một rẫy sắn nữa nên cũng tạm đủ ăn. Bây giờ thì dừng rồi, không đẻ nữa”, anh Liên nói như người biết lỗi.
Và chỉ riêng ở thôn Đá Bàn này, có thêm 3 người đàn ông khác có 2 vợ và một đàn con như anh Liên. Đó là Hồ Văn Viên (30 tuổi, 6 đứa con), Hồ Văn Tiến (40 tuổi, 11 đứa con), Hồ Văn Lộc (52 tuổi, 4 đứa con)... Ông Hồ Văn, trưởng thôn Đá Bàn thừa nhận dù những gia đình này vẫn đang sống hạnh phúc nhưng đây quả thật là một hủ tục. “Chúng nó yêu nhau rồi lấy nhau, về ở chung, thôn không quản lý xuể. Đến nói chuyện thì chúng còn bắt lý rằng cha ông ngày xưa đã làm thế nên nay con cháu học theo”, ông Văn thở dài.
Tục “pỏ của” và 3 lần cưới vợ
Tục “pỏ của” của người Vân Kiều, Pa Kô ở phía tây tỉnh Quảng Trị có thể hiểu đơn giản là việc nhà trai đem tiền và của cải đến nộp cho nhà gái. Tục lệ này ở thời xa xưa rất khắt khe nên ngày đó những trai bản sinh ra trong gia đình nghèo khổ đừng mơ lấy được vợ tử tế hoặc nếu vay mượn đủ tiền “pỏ của” thì cũng phải làm trâu ngựa một đời để trả nợ.
Theo những người già ở xã Pa Nang thì tục “pỏ của” xưa kia thường do nhà gái yêu cầu. Nhà khó chỉ “đòi” 1 nén bạc, 1 vòng cổ mã não... nhưng nhà sang thì đòi cả trâu bạc, ngựa dê. “Không có tiền để nộp lễ “pỏ của” đồng nghĩa với việc không có vợ. Mọi người đều nghĩ chẳng ai “cho không” con gái của họ bao giờ”, ông Tường nói giọng đầy hiểu biết.
Nay thì tục “pỏ của” đã nhạt phai nhiều nhưng vẫn tồn tại. Vì hiện nhà trai thường bỏ tiền cho nhà gái (khoảng vài triệu đồng) khi sang hỏi cưới. “Chỉ có những nhà lạc hậu mới thách cưới cao, còn bình thường thì chỉ chừng đó, nhà trai có thì cho thêm, không thì thôi”, trưởng thôn Đá Bàn Hồ Văn nói.
Khác với miền xuôi, để hoàn toàn có được vợ, sau lễ “pỏ của”, mỗi đôi trai gái còn phải trải qua 3 lần “cưới” nữa và lần nào cũng hết sức tốn kém.
Bấm đốt ngón tay, anh Liên nhẩm tính: “Sau đám cưới là đến đám “khơi”, hết đám “khơi” đến đám “plong acha”. Mỗi cái đều có ý nghĩa riêng, không bỏ được đâu. Giàu nghèo gì cũng phải làm không thì lòng không yên”.
Theo tìm hiểu của người viết, đám “khơi” được tổ chức sau đám cưới khoảng 3 tháng đến 1 năm (thời gian tùy điều kiện kinh tế) với mục đích cầu may cho cặp vợ chồng trẻ. Dù được làm ở nhà gái nhưng toàn bộ lễ vật (khoảng 3 con heo, 12 con gà, cùng xôi, rượu...) nhà trai phải lo.
Cũng được tổ chức tại nhà gái nhưng đám “plong acha” mang ý nghĩa vợ chồng trẻ đi thăm lại bố mẹ vợ nên phần tiệc do nhà gái đứng ra cáng đáng. Theo anh Liên thì: “Đám “plong acha” nhỏ hơn so với đám cưới và đám khơi, chỉ mời họ hàng thay vì mời cả bản, nhà trai đi sang dự cũng chỉ tầm 10 người trở lại”.
Nghe qua mới biết, dù chưa nói đến tính pháp lý thì ở vùng cao lấy được vợ không hề đơn giản. Ấy vậy mà nhiều cánh mày râu trên này vẫn còn mơ cảnh “một ông, vài bà” thì quả là...liều mạng.
Nguyễn Phúc
>> Hơn 210 thầy bói, thầy cúng ký cam kết xóa bỏ hủ tục
>> Một trường hợp chết oan vì hủ tục
>> Vẫn nặng nề hủ tục… trả nợ miệng
>> Rùng rợn hủ tục hiến tế thần linh
>> Đốt hàng mã, một hủ tục cần bài trừ
>> Thanh niên cần tiên phong xóa bỏ hủ tục
Bình luận (0)