Lệnh cấm này đã làm đình trệ mảng kinh doanh chủ lực của Huawei là smartphone vì không thể mua các linh kiện điện tử từ các nhà cung cấp trọng yếu như Intel, Qualcomm, Qorvo, Skyworks, Broadcom, Cirrus Logic. Trước đó, hằng năm Huawei mua của Mỹ hàng chục tỉ USD các sản phẩm công nghệ cao (năm 2018 là 11 tỉ USD).
Từ lâu, chính phủ Mỹ xem Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia với lý do các thiết bị thông tin liên lạc của Huawei có thể bị Trung Quốc dùng để do thám công dân Mỹ. Do đó, dù các dòng smartphone của Huawei tiêu thụ rất tốt ở châu Âu và Trung Quốc, nhưng hầu như không hiện diện trên thị trường Mỹ. Hiện thời, phía Mỹ đã nới lỏng phần nào lệnh cấm này, cấp phép cho một số doanh nghiệp Mỹ được tiếp tục giao dịch với Huawei.
|
Cũng có một số hãng Mỹ tìm cách "lách" lệnh cấm để tiếp tục làm ăn với Huawei, họ vận dụng điều khoản quy định là nếu sản phẩm có 75% khâu sản xuất được thực hiện ở ngoài nước Mỹ thì không nằm trong lệnh cấm. Các hãng này đều đặt nhà máy sản xuất hoặc thuê gia công sản phẩm ở nước ngoài, một điển hình là hãng Qualcomm, họ chỉ thiết kế chip sau đó thuê gia công sản xuất ở Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và cả ở Trung Quốc.
Theo báo Wall Street Journal, để không phải chịu điêu đứng lần nữa vì sự lệ thuộc vào công nghệ Mỹ, Huawei đã cấp tốc tìm nguồn cung ở các nước khác. Trước mắt, dù chưa thể loại bỏ hoàn toàn các con chip của Mỹ, Huawei đã cố gắng giảm tỷ lệ sử dụng xuống ở mức thấp nhất có thể. Theo trang công nghệ ARS Technica thì dòng smartphone mới nhất Mate 30 của Huawei đã dùng camera của Sony (Nhật), RAM của SK Hynix (Hàn Quốc), chip âm thanh của NXP Semiconductors (Hà Lan) và một số linh kiện "cây nhà là vườn" là màn hình của BoE, chip khuếch đại năng lượng của HiSilicon và pin của Huizhou Desay Battery (Trung Quốc). Chỉ còn một số linh kiện là của Mỹ như bộ nhớ flash của Micron, bộ thu sóng LTE của Skyhook và Qorvo, bộ nguồn chuyển mạch SMPS của Broadcom.
Mặc dù đạt được những tiến triển tốt về tìm nguồn thay thế phần cứng, nhưng chưa hẳn là Huawei đã "qua cơn bĩ cực". Không có trở ngại gì nếu các smartphone của Huawei tiếp tục chạy hệ điều hành Android vì đây là hệ điều hành mã nguồn mở. Nhưng các ứng dụng như Gmail, Google Maps, YouTube cũng như nhiều ứng dụng khác của Google thì không thể nếu đại gia Mỹ này không cấp quyền truy cập. Smartphone Huawei cũng không thể dùng Facebook, WhastsApp, Instagram, Twitter, Nextfilx, Amazon, Uber, Lyft và hơn 2 triệu ứng dụng hữu ích khác trên Play Store. Đây là điều không thể chấp nhận đối với người dùng bên ngoài Trung Quốc.
Vào tháng 9.2019, khi Huawei đưa ra thị trường dòng smartphone cao cấp Mate 30, chiếc điện thoại này hoàn toàn không có các ứng dụng vừa nêu. Điều này không ảnh hưởng nhiều tới người dùng ở nội địa Trung Quốc, từ lâu họ đã không được dùng những ứng dụng phổ biến trên và đã có những ứng dụng "made in China" để thay thế (người dùng Trung Quốc vẫn cần những ứng dụng hữu ích khác trên Play Store). Nhưng đối với những người dùng ở các thị trường ngoài Trung Quốc, đó lại vấn đề quan trọng. Nhiều chuyên trang về công nghệ nhận định người dùng bên ngoài Trung Quốc sẽ không bỏ ra một khoản tiền lớn để tậu một cái smartphone Huawei thế hệ mới nhất nhưng lại không được truy cập và sử dụng các dịch vụ không thể thiếu của Google, Facebook. Điều đó chẳng khác nào mua một cái điện thoại "cục gạch" với giá "cắt cổ". Nếu tình trạng này tiếp diễn, mảng kinh doanh smartphone của Huawei sẽ sụt giảm doanh thu đáng kể, đặc biệt là ở thị trường châu Âu nơi các dòng smartphone cao cấp của Huawei được tiêu thụ rất mạnh.
Huawei đã lên phương án để đối phó với vấn đề các smartphone chạy Android của họ sẽ tiếp tục không được truy cập kho ứng dụng Play Store cũng như không được cập nhật các bản vá lỗi mới nhất. Đồng thời họ cũng đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra là chính phủ Mỹ sẽ cấm xuất khẩu phần mềm mã nguồn mở, mà hệ điều hành Android nằm trong số đó. Do vậy, Huawei đang nỗ lực hoàn thiện hệ điều hành riêng mang tên Harmony OS - tên tiếng Hoa là Hongmeng. Trước đây khá lâu (năm 2012), khi phát triển Harmony, Huawei không dự định chỉ để dùng cho smartphone, nay họ phải gấp rút chỉnh sửa để đáp ứng tình thế, bởi thế Harmony OS có rất nhiều khiếm khuyết. Ông Vincent Pang, Phó chủ tịch Huawei, cho biết Huawei vẫn ưu tiên dùng Android cho các sản phẩm của hãng trừ khi lâm vào tình thế bất khả kháng là Google ngưng cấp quyền truy cập Play Store vĩnh viễn.
|
Tại một hội thảo công nghệ hồi tháng 8.2019, Richard Yu, CEO của Huawei tuyên bố là Harmony OS sẽ là một hệ điều hành nhúng (embedded operating system), chạy được trên máy tính để bàn, laptop, tablet, smartphone và nhiều loại thiết bị khác như ti vi thông minh, thiết bị đeo, thiết bị giải trí gắn trên ô tô. Theo các chuyên gia công nghệ, ý định này là quá tham vọng. Trước đây, gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft cũng đã phạm sai lầm tương tự khi muốn thiết kế một hệ điều hành chạy được cả trên máy tính lẫn smartphone và đã thất bại thảm hại.
Để một hệ điều hành mới đạt được tầm cỡ như Android thì điều cốt yếu là phải thu hút được sự tham gia của cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng trên thế giới để sửa lỗi, bổ sung và hoàn thiện các chức năng cho Harmony OS, cũng như tạo nên hệ sinh thái với nhiều tiện ích thu hút người dùng như Play Store. Trước đây, các tên tuổi lẫy lừng như Microsoft, Samsung, Amazon đã mong muốn làm hệ điều hành của riêng mình để không phải lệ thuộc vào Android. Nhưng, dù với rất nhiều nỗ lực và hàng chục tỉ USD đầu tư, Windows 10 Mobile (Microsoft), Tizen (Samsung), FireOS (Amazon) đều thất bại bởi thiếu một hệ sinh thái phong phú với vô vàn tiện ích như của Google.
Xem ra, con đường phía trước của Harmony OS còn lắm chông gai, có thể Harmony sẽ phát triển nhưng không thể nào đạt đến tầm cỡ thế giới như Android của Google hay iOS của Apple.
Bình luận (0)