Theo Wall Street Journal, hoạt động tuyển dụng của Huawei đã thu hút sự chú ý của các cơ quan tình báo tại những quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên với nhiều đợt thu hút nhân tài đã được ghi nhận. Điều này diễn ra trong bối cảnh sự cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang ngày càng trở nên gay gắt, trong đó các quốc gia phương Tây cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Điều này buộc các công ty Trung Quốc như Huawei phải tăng cường nỗ lực chiêu mộ các kỹ sư hàng đầu trong các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Công cuộc săn nhân tài của Huawei
Mục tiêu mà Huawei và nhiều công ty Trung Quốc khác hướng đến là các trung tâm công nghệ toàn cầu, bao gồm châu Âu, Thung lũng Silicon (Mỹ) và Đài Loan. Một số công ty thậm chí còn che giấu nguồn gốc Trung Quốc của mình bằng cách đăng ký là pháp nhân địa phương và chỉ thuê nhân viên để tránh sự chú ý của chính quyền địa phương. Hành động này đã bị phát hiện tại Đài Loan và Hàn Quốc, trong khi các công ty Trung Quốc hoạt động tự do hơn ở Mỹ và châu Âu.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Huawei chính là ASML, công ty Hà Lan sản xuất thiết bị cho ngành công nghiệp bán dẫn. ASML đã mất nhiều thập kỷ để phát triển công nghệ in thạch bản tiên tiến và nếu không có công nghệ này, Trung Quốc sẽ không thể sản xuất ra những con chip hiệu quả nhất.
Theo thông tin từ LinkedIn và nền tảng nhân sự Maimai của Trung Quốc, kể từ năm 2021, Huawei đã thuê hàng chục kỹ sư và nhân viên từ các công ty phương Tây, bao gồm cả ASML. Một trường hợp đáng chú ý là một kỹ sư Trung Quốc đã rời ASML để thành lập công ty cạnh tranh tại Trung Quốc nhờ vào quyền truy cập vào một số sản phẩm phần mềm của công ty Hà Lan trong quãng thời gian làm việc.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận thông tin về việc săn trộm các chuyên gia nhưng quốc gia này từ lâu xác định vấn đề nhân sự là ưu tiên hàng đầu. Kế hoạch phát triển AI của chính phủ vào năm 2017 đã nhấn mạnh việc thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.
Tại Đài Loan, nơi có nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC, các nhà chức trách đã ghi nhận sự gia tăng các vụ việc liên quan đến săn trộm bí mật thương mại và chiêu mộ nhân tài từ năm 2015. Năm 2022, Đài Loan thông qua các quy định mới nhằm cấm chuyển giao công nghệ quan trọng ra nước ngoài, với hình phạt nghiêm khắc cho những người vi phạm.
Mới đây, chính quyền Đài Loan đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn, đột kích 30 địa điểm và thẩm vấn 65 người, trong đó có 8 công ty Trung Quốc bị cáo buộc săn trộm nhân tài. Các công ty này đã cố gắng che giấu nguồn gốc của mình bằng cách hợp tác với các công ty tuyển dụng từ Singapore và Hồng Kông.
Vào mùa thu năm ngoái, ban quản lý của Zeiss SMT, công ty sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp bán dẫn, đã phát hiện bộ phận nhân sự của Huawei đang cố gắng tiếp cận nhân viên của họ. Hành động này đã khiến các cơ quan tình báo Đức lo ngại về khả năng Huawei có thể tiếp cận những tài sản trí tuệ quan trọng và tiến hành cuộc điều tra. Được biết, trong khi Đức đã thông qua luật cấm sử dụng thiết bị Huawei trong các phần quan trọng của cơ sở hạ tầng mạng, các sản phẩm tiêu dùng của Huawei vẫn được bán tại quốc gia này.
Bất chấp việc đối mặt với nhiều thách thức và sự giám sát chặt chẽ từ các quốc gia phương Tây, các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực chiêu mộ nhân tài công nghệ từ khắp nơi trên thế giới.
Bình luận (0)