Công ty Inros Lackner của Mỹ đã giới thiệu quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu du lịch sinh thái Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) do đơn vị này thực hiện, quy mô dự kiến khoảng 387,8 ha, với 2 khu chức năng gồm: Khu A là trạm cơ sở và hạ tầng có diện tích khoảng 97,8 ha (dưới chân núi, thuộc khu vực Khe Su, xã Lộc Trì, H.Phú Lộc) và khu B là Khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã, phạm vi diện tích nghiên cứu khoảng 290 ha bao gồm: khu làng du lịch đỉnh núi, khu làng du lịch di sản, khu làng trung tâm, khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ phụ trợ, khu làng du lịch thung lũng thác nước, khu cảnh quan tự nhiên... Đồ án quy hoạch chọn giải pháp và công nghệ ít tác động đến môi trường, mật độ xây dựng khu B (trên đỉnh núi) dưới 2%, hệ số sử dụng đất 0,3% và tầng cao xây dựng dưới 2 tầng.
Cùng với quy hoạch phân khu, nhà tư vấn Tập đoàn Poma cũng đã giới thiệu 2 tuyến cáp treo cho Bạch Mã, gồm tuyến cáp số 1 (từ chân núi, khu vực Khe Su lên đỉnh Bạch Mã) chiều dài 4.027 m gồm 24 cột, công suất tối đa 1.750 khách; tuyến cáp số 2 có chiều dài 1.603 m, từ đỉnh núi xuống khu vực thác Ngũ Hồ.
Mật độ xây dựng quá dày
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng việc đến nay mới có cuộc góp ý về quy hoạch khai thác du lịch của Bạch Mã là quá chậm. Ông Chính cho rằng giải pháp cáp treo là tối ưu vì ít tác động môi trường nhất lại có thể tham quan được hệ sinh thái từ trên cao. Còn về mật độ xây dựng, ông Chính cho rằng: “Bằng cảm quan, tôi thấy mật độ phân bố các công trình xây dựng trên đỉnh núi như trong bảng quy hoạch là quá dày”.
Còn ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế đề xuất, ở khu A (dưới chân núi Bạch Mã) hiện tại nằm ngoài ranh giới của vườn quốc gia nên không bị ràng buộc bởi các quy chế, có tiềm năng để xây dựng các khu du lịch cộng đồng. Ở khu B, trên đỉnh Bạch Mã, ông Hoa cũng gợi ý cần nghiên cứu quy hoạch các khu dịch vụ có tính chất độc đáo như vườn phong lan bản địa, công viên hoa ôn đới, công viên rừng hay các sơn trang mang nét riêng độc đáo. "Chỉ nên làm tuyến cáp treo dưới chân lên đỉnh, còn tuyến cáp treo thứ 2 từ đỉnh đến khu vực Ngũ Hồ thì không nên mà hãy chọn giải pháp giao thông thân thiện với môi trường như xe điện, hoặc đạp xe", ông Hoa nói.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững cùng Phó giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, TS Nguyễn Vũ Linh cũng đồng tình với phương án cáp treo từ chân lên đỉnh Bạch Mã.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch VN (Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL), cho rằng phát triển du lịch ở Bạch Mã không thể đánh đổi môi trường. Do vậy, cần đánh giá khoa học về sức chứa (lượng khách tối đa/ngày và thời gian lưu lại) để đưa ra được giải pháp khai thác du lịch nhưng vẫn bảo tồn được hệ sinh thái Bạch Mã. Theo ông Tuấn, với Bạch Mã nên chọn mô hình du lịch "lượng khách ít, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Bình luận (0)