Mùi vị tuổi thơ
Hồi nhỏ, nhà tôi sống trong xóm Tịnh Xá Ngọc Kinh. Cái xóm bây chừ thấy nhỏ xíu nhưng hồi đó đối với tôi thì nó mênh mông, bí hiểm vô kể.
Nhà tôi sống ở lưng chừng xóm. Đầu xóm trên toàn là nhà có công ăn việc làm có chút tiếng tăm. Nhà thì có con là bác sĩ, giáo sư, là huấn luyện viên bóng bàn… Tệ lắm thì cũng là nhà có lò làm bánh in, thơm nức mũi. Nửa xóm dưới, có cái bến sông thì họ mưu sinh bằng những nghề thấp hơn một xí (hồi đó mình nghĩ vậy, nhưng chừ nghĩ lại cao thấp chi mấy cái chuyện như vầy). Nhà thì trồng rau muống, nhà đi đặt tôm, đặt tép, nhà thì đi ở đợ (cái từ nghe nặng dễ sợ, nhưng hồi đó người ta quen gọi là vậy).
Trong số đó có nhà Mụ Lại. O Sáu không thích mụ ni. O nói mụ ni nhiều chuyện, chuyên để ý chuyện nhà người khác. O Sáu nhà cũng ở xóm dưới nhưng chuyên làm nghề giữ con nít. Từ nhỏ tới lúc lên lớp 1 tôi sống với O Sáu. O thương tôi lắm. Cho nên chuyện chi O không thích thì tôi cũng không thích luôn. Tôi ác cảm với chữ Mụ có nguyên do là vậy!
Vậy mà chừ lần nào về Huế, tôi cũng lóc cóc ra Bến xe Nguyễn Hoàng, chỉ để ghé tiệm Mụ Nhơn.
Mụ ni giàu thiệt nghen. Vòng cổ, vòng tay đeo cẩm thạch thấy sợ luôn, nhưng bù lại mụ cười thiệt là hệch hạc, phúc hậu.
tin liên quan
Đến Huế để tiêu... 100.000 đồng!Cái cách pha đồ màu, cách nấu nướng, bày biện thô mộc đó chính là bữa cơm ngày xưa của nhà mình đó thôi. Đôi lúc, ghé mấy nhà hàng sang trọng, lấp lánh thấy món Huế ngon thiệt đó, kiểu cách thiệt đó nhưng mới xa ngái làm sao.
Tôi gọi cá kho, canh, rau muống luộc. Tô canh cá mó thiệt là ngậm mà nghe. Nhìn tô canh mà hình dung ra cách nấu. Phi tí mỡ, bỏ vô trái ớt đỏ đập dập, tra nước vô. Chừng nước sôi bỏ tô cá đã ướp với tiêu, hành mắm muối vô. Cá vừa chín liền cho vào đó một ít thơm, cà và nhất là măng chua, dưa gang chua vào. Nhấc xuống nêm tí hành lá, rau răm. Nói thêm một tí về con cá mó. Không giống con cá mó nặng mấy ký lô ở Phú Quốc, con cá xứ Huế chỉ nhỏ bằng hai ba ngón tay. Da cá màu đỏ mỏng tang, miếng thịt bên trong trắng ngần, dai, béo ngậy. Người xứ khác mà ăn miếng canh xứ Huế nếu không khéo thì sẽ ho sặc sụa vì cái cay của ớt tao.
Lại nói về miếng cá ngừ kho thấm tới bên trong, cá màu nâu mộc nhưng nước kho thì trong veo, ánh chút mỡ vàng óng thanh tao, kèm theo hai trái ớt xanh kho nẫu ra. Gọi thêm đĩa rau muống xanh lục chấm nước kho thì không còn vui thú gì hơn. Gắp đũa rau muống mà như nhớ lại những năm 1975 thiệt là khó khăn. Cả thành phố lúc đó hình như đổ xô đi mua gánh bán bưng kiếm sống.
Lúc đó, tôi nhỏ nhất nhà. Không đi bán cà rem như mấy ông anh, không đi trồng khoai, trồng sắn trên Chín Hầm như ba, không xắt khoai, xắt sắn như mạ… Tôi chỉ kham chuyện xếp hàng mua… rau muống ở HTX Thuận Lộc. Bữa thì mua rau ngang, bữa thì mua được rau đọt. Đem về bữa thì luộc, bữa thì chẻ ra bóp rau sống. Không có thịt thà chi cả, cứ tra thêm một ít mắm ruốc là xong bữa.
tin liên quan
Vợ Việt chồng Tây bỏ tiền tỉ mua tàu lênh đênh Sài Gòn 'hẹn hò' nhauCũng may mà cái đận khó khăn ấy qua đi và tôi cũng còn quá nhỏ để bị ám ảnh một điều gì. Quên đi và biết bỏ qua mọi chuyện là cách để mình sống an lạc hơn. Thầy Nhất Hạnh có nói một điều mà tôi rất thích - Quá khứ thì đã qua đi. Tương lai thì chưa đến. Chỉ có biết sống an lạc trong phút giây hiện tại là quý nhất. Biết là vậy, nhưng sao và miếng cơm mà tôi như nghe nghẹn đắng, mắt cay cay. Cứ nghĩ giá như ba mình còn sống để mình có thể nấu cho ba một món ăn xứ Huế.
Ghé thăm mạ anh Quyền. Anh Quyền đi Đà Nẵng, nhắn cho mình một tin: Em ghé thăm mạ anh đi. Nếu em rảnh nói mạ anh nấu cho ăn. Mạ anh nấu món Huế ngon lắm đó! Nghe ấm lòng quá. Nghe bà cụ nói chuyện còn ấm lòng hơn. Hai bác cháu kể lể từ chuyện ngày xưa đi chùa ăn chay, cho đến chuyện nữ công gia chánh. Lâu lắm rồi mới tìm ra một không gian Huế đến vậy!
Phố xá dành cho ký ức
tin liên quan
27.000 thai nhi bị bỏ rơi, người phụ nữ này âm thầm chôn cất suốt 10 nămTôi chưa thấy nước sông Hương chảy bao giờ. Nước sông cứ thăm thẳm chiều trôi. Chỉ có mây chiều trôi lang thang soi bóng khiến người ta ngỡ nước sông Hương chảy đó thôi. Núi Ngự Bình xa tít tắp, một màu xanh mù mịt, ẩn hiện trong mây, trong khói. Đến cái màu xanh Đại Nội cũng rêu mốc, cũng cũ xưa.
Tôi thích con đường Đoàn Thị Điểm - đường phượng bay mù không lối về đó. Có lần đi lang thang vào Đại Nội, ngang qua con đường này, trời lất phất mưa. Nhưng người Huế họ vẫn đi chậm, nói khẽ dưới mưa. Tôi cũng như vậy thôi. Không khác được! Bởi, ngay vài người bạn của mình cũng chỉ thích ra Huế vào mùa mưa. Buồn cho thấm thía ruột gan luôn.
Có lẽ Huế là xứ ít đổi thay nhất. Cho dù một năm, hai năm, hay năm mười năm đi nữa. Trở lại, vẫn con đường đó. Vẫn hàng cây đó. Vẫn góc sân đó. Cứ như thời gian không dịch chuyển. Lần nào về Huế mình cũng vô xóm cũ. Kiệt nhỏ vẫn như hai ba chục năm về trước. Tôi không nhớ nổi tuổi tác của những người quen. Chỉ thấy khi bước vào xóm nhỏ đó, mình như trở lại tuổi lên mười của ngày xưa. Vì họ vẫn nói với mình câu chuyện của ngày ấy. Họ vẫn nhắc mình những kỷ niệm thật là xa ngái mà mình đã quên lãng từ lâu. Rất lâu!
Tôi thích đi vô Thành Nội vào mỗi tối. Dân Huế mỗi khi trời chập choạng hay thắp hương và đốt trầm. Dường như họ làm như vậy đã từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Xứ này vốn dĩ được tẩm ngát hương trầm qua ngần ấy thời gian. Và cả hương thơm của những hàng bông sứ. Của những cây ngọc lan cổ thụ. Của những hoa lài, hoa sói. Thành Nội có một mùi thơm lạ lùng lắm. Thật khó mà diễn tả ra bằng lời. Người xứ khác tới Huế ít nhận ra mùi hương ban đêm của Huế. Bởi lẽ, khi đêm đến dân Huế lại hay thắp hương ở mỗi gốc đa ven đường. Mà cây đa ở Huế thì nhiều vô kể.
Huế là xứ của ký ức. Mà đã là ký ức, là hoài niệm thì bao giờ cũng là một dấu lặng đó thôi!
Bình luận (0)