|
Thu hút nhân tài, kết nối nguồn lực…
Biết vận dụng cả nguồn lực bên ngoài và nguồn sẵn có từ bên trong, đầu tư mạnh cho giáo dục, theo GS - TS Frank Go, Trường ĐH Erasmus (Hà Lan) là một kinh nghiệm của Hàn Quốc để phát triển từ một đống đổ nát trong thập niên 50 (thế kỷ 20) trở thành một trong 10 cường quốc trên thế giới. “Cần sử dụng nguồn lực đã có như thế nào? Tận dụng thông tin ra sao? Giống như tảng băng trôi, có thể nhìn thấy phần trên, nhưng khi hiểu hơn phần dưới với giá trị thực hiện, đó mới là thực sự nắm bắt vấn đề. Cần có sự kết nối giữa trái tim, trí tuệ và cần có sự trao quyền để mỗi người có thể hiểu và giải quyết vấn đề của mình”, GS - TS Frank Go gợi mở.
|
Sau 150 năm thuộc địa của Anh, Singapore chỉ là một hải cảng trung chuyển hàng hóa, sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng chỉ 13%; nghèo đói là căn bệnh “bẩm sinh” của Singapore do đất canh tác hẹp, dân số tăng nhanh, thiếu trầm trọng nguồn nước. Tại sao một quốc gia bé nhỏ như Singapore (nhỏ hơn 470 lần so với VN), lại phát triển từ “một làng chài để trở thành quốc gia văn minh hàng đầu thế giới?”. Theo GS - TS Trần Thị Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội, Singapore không có cách nào khác là tiến hành công nghiệp hóa, bắt đầu từ cuối những năm 50 (thế kỷ 20). Thực thi chiến lược này, Singapore kết hợp hài hòa các nguồn nội lực và ngoại lực. Các nguồn nội lực của Singapore gồm tinh thần dân tộc, thế hệ trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao có tiềm năng sáng tạo, hội nhập với thế giới, trở thành “công dân toàn cầu”, có thể sống bất kỳ đâu trên thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa.
Singapore còn là trung tâm thu hút nhân tài của thế giới. Năm 1998, nước này thành lập Ủy ban Tuyển dụng tài năng, trả lương rất cao để thu hút nhân tài từ các nước khác. Là quốc gia được tạo dựng từ những người nhập cư, Singapore chào đón tất cả những ai có thể đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.
Nói về kinh nghiệm thành công của Thụy Sĩ, TS Ingo Buse, Trường ĐH Zurich (Thụy Sĩ) nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo đổi mới. Nghiên cứu khoa học ở Thụy Sĩ luôn được đề cao nhằm nỗ lực tìm ra các ứng dụng công nghệ áp dụng vào thực tế cuộc sống. Một kinh nghiệm khác của Thụy Sĩ là sự phát triển dựa trên một nền kinh tế của “những nhà vô địch thầm lặng”. Hơn 95% các công ty Thụy Sĩ có quy mô vừa và nhỏ chỉ với ít nhân viên nhưng họ chiếm khoảng 80% GDP của cả nước.
Đã đến lúc chúng ta phải biết sốt ruột
Khi đến VN tham dự Ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt vào ngày 23.11 vừa qua, ông Ramu Damodaran, Giám đốc Ủy ban Tác động học thuật của Liên Hiệp Quốc, nhìn nhận: “Trong lịch sử, VN đã từng là đại diện của nhiều phẩm chất lớn: Can đảm, quyết tâm, công bằng, sức mạnh tinh thần”. Đồng tình với nhìn nhận này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ tịch Quỹ hòa bình VN, cho rằng đất nước chúng ta cũng đã từng thành công trong quá khứ, trong kháng chiến và đổi mới. Nay đứng trước một giai đoạn mới cần phải đạt đến sự phát triển đầy đủ, toàn diện để xứng đáng với khát vọng của mọi người, đặc biệt là khát vọng của thanh niên. “Quan điểm của riêng tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải biết sốt ruột, không thể chần chừ, chậm trễ. Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia, chúng ta có cơ hội để lắng nghe, suy nghĩ, rút ra bài học và quyết tâm mới, để hun đúc khát vọng vươn lên, xác lập lại thương hiệu quốc gia trong thời đại mới”, bà Ninh chia sẻ.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, VN sẽ đối mặt nhiều nguy cơ đối với sự phát triển nếu không trang bị được cho mình một tâm thế chủ động, một khát vọng thành công được hun đúc thành một niềm tin bất diệt về sự ưu việt của dân tộc, sự vĩ đại của quốc gia VN. “Chúng ta không thể thành công nếu không có nguyên lý để thành công và tuân thủ một cách sáng tạo nguyên lý đó”, ông Vũ nói, và cho rằng: “VN phải giải mã cho được bài học của các quốc gia đang được coi là thành công, có vị thế, có sức mạnh, có tầm ảnh hưởng trong thế giới hiện nay cũng như trong các giai đoạn lịch sử của quá khứ. Các yếu tố thành công rất nhiều và khá khác biệt trong từng hoàn cảnh, nhưng chúng ta phải tìm ra bản mã gốc cho công thức thành công của các quốc gia đó”.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.
|
Đình Nguyên
>> Ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt
>> Khát vọng Việt: Tìm cơ hội thành công trong nghịch cảnh
>> Khát vọng Việt đua tài
>> Nếu chúng ta chung một Khát vọng Việt thì ...
>> Hành trình Vì khát vọng Việt thắp khát vọng làm giàu bền vững
>> Sôi nổi Vì khát vọng Việt tại Tây nguyên
>> Hành trình Vì khát vọng Việt tại ĐBSCL: Truyền 'lửa Khát vọng Việt' cho sinh viên
>> Sôi nổi Hành trình Vì khát vọng Việt tại miền Tây
>> Hơn 1.000 sinh viên tham gia 'Hành trình Vì khát vọng Việt
Bình luận (0)